Những tác động từ mất cân bằng giới tính khi sinh

0
368

Con số này vượt ngưỡng an toàn về tỷ số giới tính khi sinh (GTKS): 103-107. Số liệu thống kê trong các năm gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ số này luôn dao động trong khoảng 104 -109 trong các năm từ 2001 đến 2005 nhưng từ năm 2006 đến nay, tỷ số này luôn ở mức trên 110. Tỷ số GTKS tăng sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với dân số nói riêng và các vấn đề kinh tế – xã hội nói chung.

 

Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam, 1999-2009.



Những con số biết nói



Tác động đầu tiên của mất cân bằng GTKS là tác động vào tỷ số giới tính (của cả dân số). Tỷ số giới tính được định nghĩa là số lượng nam giới trên 100 nữ giới. Tỷ số này ở nước ta đang tăng dần qua các kỳ Tổng điều tra.
 


Tỷ số giới tính phụ thuộc vào: (1) Tỷ số GTKS, (2) Tỷ suất chết của nam, nữ theo các nhóm tuổi khác nhau, (3) Di cư quốc tế. Thông thường chỉ số di cư thuần quốc tế (nhập cư – xuất cư) của nước ta có tác động không đáng kể đến chỉ số giới tính.


Kết quả điều tra DHS, 2002 cho thấy không có sự khác biệt lớn giữa tỷ suất chết của trẻ em nam so với trẻ em nữ ở nhóm tuổi dưới 5:
 
 
 
Số trẻ em nam sinh ra lớn hơn trẻ em gái (trong khoảng 103-107) và tỷ lệ chết của nam cao hơn nữ là điều hoàn toàn bình thường do đặc tính sinh học, thói quen sinh hoạt, nghề nghiệp của nam và nữ khác nhau nên tỷ suất chết của nam luôn cao hơn nữ và tuổi thọ của nữ vì thế cũng cao hơn nam. Tỷ suất chết thô năm 2009 của nước ta là 6.8%o. Ta có thể thấy rõ hơn tỷ suất chết đặc trưng theo độ tuổi phân theo nam nữ của dân số nước ta năm 2008 như biểu đồ dưới đây:

 

Tỷ suất chết đặc trưng theo tuổi (ASDR) phân theo nam (M), nữ (F), năm 2008.

 

Như vậy, yếu tố chính ảnh hưởng đến tỷ số giới tính là chỉ số GTKS. Hiện nay chỉ số này đang tăng ở nước ta và hậu quả của nó là sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Tình trạng này sẽ diễn ra dần dần và càng về những năm sau thì số lượng nam thừa càng lớn do chuyển đoàn hệ sinh cộng với số lượng những người trong độ tuổi kết hôn của các năm trước chưa kết hôn được. Theo tính toán của UNFPA Việt Nam thì đến năm 2040, số lượng nam giới sẽ thừa khoảng 12% và đến năm 2050 là 20% (dự báo mức trung bình).
 
Những hệ lụy từ mất cân bằng giới tính


Mục tiêu của chúng ta đặt ra là đến năm 2020, tỷ số GTKS sẽ được khống chế ở mức 115. Sử dụng chương trình dự báo dân số Spectrum version 3.54 (dự báo ở mức trung bình), cho ta kết quả đến năm 2020 nước ta có khoảng gần 700 ngàn đàn ông trong độ tuổi 15-49 “dư thừa” và đến năm 2050 là khoảng gần 3 triệu. Và kết quả tỷ số GTKS được dự báo qua các năm đến 2050 như sau:
 
 
Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ dẫn đến xu hướng nam giới muộn hoặc không kết hôn, đặc biệt đối với những trường hợp nghèo khó, trình độ học vấn thấp; kéo theo độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam giới tăng lên. Số tuổi trung bình này của nam năm 2009 là 26.2, tăng lên so với năm 1999 (25.4) (nữ: 22.8/2009). Vì thế, tỷ trọng dân số chưa kết hôn cũng sẽ tăng lên. Ngay cả tỷ lệ người già neo đơn, không nơi nương tựa, cần sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng trong tương lai cũng sẽ tăng lên. Tại Trung Quốc có 94% những trường hợp không kết hôn trong độ tuổi 28-49 là nam giới và trong số nam giới không kết hôn đó thì có tới 97% chưa học hết trung học phổ thông.

Mất cân bằng GTKS tại Việt Nam sẽ có những tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, đến hôn nhân và gia đình, đến trật tự trị an xã hội, ngay cả một số ngành nghề vốn thích hợp với phụ nữ sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, y tá, may mặc,… Vấn đề đặt ra hiện nay là Chính phủ, các tổ chức xã hội và mỗi cá nhân phải cùng nhau thực hiện các giải pháp nhằm khống chế mức tăng của GTKS.
Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ làm nam giới buộc phải tính đến việc kết hôn với người nước ngoài. Một thực tế đang diễn ra là có hàng trăm ngàn cô gái Việt Nam đang di chuyển đến các nước – nơi có tình trạng mất cân bằng GTKS trước chúng ta hàng chục năm là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan để làm dâu. Chỉ tính riêng từ năm 1998 -2008 đã có 251.492 cô gái Việt Nam làm dâu tại Hàn Quốc.


Khi kết hôn với người nước ngoài mà không có tình yêu, không có sự tìm hiểu nhau kỹ càng thì hôn nhân sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, thói quen sinh hoạt, quan niệm… Những điều đó sẽ dẫn đến sự xung đột và đe doạ đến hạnh phúc gia đình, làm gia tăng các vụ bạo hành giới (thể chất, tinh thần, tình dục) mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; tăng cao nguy cơ số vụ ly hôn.
 
Hậu quả của bạo lực giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ (thể chất, tinh thần) của người phụ nữ, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản; ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình và cả những dư chấn tâm lý tác động đến con cái. Thực tiễn về các vụ cô dâu Việt Nam bị bạo hành ở nước ngoài làm đau lòng xã hội đã phần nào chứng minh điều đó.


Nam giới muộn hoặc không kết hôn được sẽ có thể phải đối mặt với các rắc rối về tâm lý, tinh thần, tăng nguy cơ bệnh tật khi mà các nhu cầu tâm lý, tình cảm, sinh lý không được đáp ứng. Điều đó sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm nữ, nam; các nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS; tội phạm, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và ngay cả nạn nhân là nam giới vì thế cũng gia tăng.
 
Đánh giá tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006 – 2010 của Việt Nam cho thấy: Trên cả nước ước tính có gần 31.000 người bán dâm; gái bán dâm ngày càng trẻ hóa, từ 16 – 18 tuổi chiếm 15,3%, từ 25 – 35 tuổi chiếm 35% và đông nhất là lứa tuổi rất trẻ: từ 18 – 25 tuổi chiếm 42%. Kết quả nghiên cứu năm 2001 ở Việt Nam cho biết 51% gái mại dâm có liên quan tới ma túy và 27% nhiễm HIV.


Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), giai đoạn 1998 – 2006, có 5.746 phụ nữ và trẻ em bị bán ra nước ngoài và 665 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trong nước, chưa kể đến con số 7.940 phụ nữ và trẻ em nghi ngờ bị buôn bán. Từ năm 2005 đến tháng 6-2008, có  2.800 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Hầu hết các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn ra tại các tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Cambodia, Việt Nam – Lào. Riêng 6 tháng đầu năm 2009 đã có 362 trường hợp, trong đó có cả trẻ em sơ sinh . 

 

Tỷ lệ % số vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới Việt Nam với các nước (từ 2005-6/2008).

 
Các vấn nạn trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bình đẳng giới, đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và đặc biệt là trẻ em. Cũng cần nhấn mạnh một điều rằng, các nguy cơ, tệ nạn xã hội nói trên không hoàn toàn phát sinh từ việc mất cân bằng GTKS nhưng rõ ràng rằng GTKS là một trong các nguyên nhân và khi chỉ số này tăng sẽ làm gia tăng các nguy cơ, tệ nạn nói trên.
 
Xã hội cũng phải tăng thêm các chi phí cho y tế, công an, toà án,… để đảm bảo an toàn xã hội. Hậu quả của mất cân bằng GTKS không chỉ xảy ra trong phạm vi một nước mà nó còn dẫn đến các hệ luỵ cho quốc gia liền kề. 65% các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam là qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc, nơi mà tình trạng mất cân bằng GTKS diễn ra nghiêm trọng và từ hàng vài chục năm trước.
Giadinh.net.vn

 
Chú thích:

[1] “Factors determining the sex ratio at birth” Ingrid Waldron – Leidy Laboratory, Department of Biology, University of Pennsylvania

[1] Tổng Điều tra DS và Nhà ở 1999, 2009; Điều tra Biến động Dân số hàng năm – TCTK

[1]Vietnam Demographic and Health Survey, 2002 – Measuredhs

[1] Lectures of Sr. Prof. F.Ram – Director of International Institute for Population Sciences, Mumbai, India

[1] “Recent change in the SRB in Vietnam: A review of evidence” – Dr. Christophe Z. Guilmoto- UNFPA, 2009

[1] Dự thảo Chiến lược Dân số-SKSS đến năm 2020, www.gopfp.gov.vn

[1] Dự báo GTKS năm 2050 là 120

[1] Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, TCTK

[1]“Abnormal sex ratios in human populations: causes and consequences‟ Hesketh and Xing, 2006

[1] Báo cáo Đề án 3, Chương trình 130/CP năm 2010 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

[1] Wikipedia Việtnam- Mại dâm

[1] “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em” – Đoàn Hiền. Thông tin Pháp luật Dân sự, 10/2009