QUẬN 12-KIỂM SOÁT TAI NẠN THƯƠNG TÍCH Ở TRẺ EM

0
68

Hầu hết trẻ em bị tai nạn thương tích là do sự bất cẩn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Những tai nạn thương tích này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người lớn cẩn trọng hơn và trẻ em nhỏ được dạy cách nhận biết nguy cơ gây nên tai nạn.

5 nguyên nhân gây thương tích hàng đầu gây tử vong ở trẻ em là tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, bỏng, té ngã, ngộ độc. Vì vậy để tránh những tai nạn đau lòng, người lớn cần quan tâm chăm sóc và giám sát chặt chẽ trẻ, luôn đặt trẻ trong tầm mắt, tạo cho trẻ môi trường sống an toàn. Ngoài ra, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng thực hành sơ cấp cứu để trẻ khi gặp tai nạn thương tích có thể thực hành đúng nhằm hạn chế những tổn thương gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của trẻ.

Theo thống kê, có đến hơn 70% nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ em có thể phòng tránh được. Giải pháp an tòan cho trẻ gồm: Ngôi nhà an toàn , Trường học an toàn , Cộng đồng an toàn là những mô hình được khuyến cáo áp dụng tại gia đình, trường học, cộng đồng nhằm giúp nhận biết mối hiểm họa tiềm ẩn và loại bỏ chúng góp phần giảm đến mức thấp nhất các loại tai nạn thương tích cho trẻ.

Ngôi nhà an toàn cho trẻ phải đảm bảo loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ như: giếng, bể và lu nước có nắp đậy chắc chắn, cửa ra vào phải đảm bảo an toàn; phích nước, các dụng cụ dể gây cháy, nổ (ga, xăng, cồn, đèn, diêm…); ổ cấm điện đặt nơi an toàn để trẻ không với tới được, đề phòng điện giựt hoặc bị phỏng; không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn (dao, kéo, mảnh kính vỡ..; tủ thuốc đặt ngoài tầm tay với của trẻ); dụng cụ đựng hóa chất (thuốc trừ sâu, axit, chất tẩy rửa…) phải có nhãn rỏ ràng, để trên giá cao hoặc tủ có khóa, đảm bảo trẻ không thể nhìn hoặc sờ được; cầu tnang, ban công phải có tay vịn, rào chắn để phòng tránh trẻ ngã; lối ra sông, ao kênh rạch… có rào chắn. Bên cạnh đó không cho trẻ tiếp xúc với những món đồ chơi có chi tiết nhỏ để tranh trẻ không nuốt hoặc cho vào mũi, miệng, tai…

Trường học an tòan cho trẻ: sân trường phải bằng phẳng và không bị trơn trợt; cửa sổ, hành lang, cầu thang, lan can phải có tay vịn; những cây ở sân trường có rào chắn để trẻ không leo trèo được; dụng cụ thể dục, thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn. Trường học phải giáo dục ý thức cho các em không được gây gổ, đánh nhau trong trường; không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao, súng cao su và các hung khí khác; xây dựng lớp tự quản, đoàn kết. Trường phải có cổng hàng rào, phải đóng cổng trong giờ ra chơi, không cho trẻ chạy ra đường chơi khi trường ở gần đường; phải có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học; hướng dẫn học sinh thực hiện Luật an toàn giao thông. Phòng học, phòng thí nghiệm và các phòng chức năng khác phải có nội quy sử dụng an toàn hóa chất, an toàn điện cho các em. Không cho học sinh tới nếp nấu nướng và chỉ ăn ở nhà ăn. Hệ thống điện trong lớp phải an toàn, không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao. Không cho bán quà bánh trong trường; thực phẩm, thức ăn do nhà bếp trường chế biến, nước uống phải đảm bảo vệ sinh…Trường có cán bộ theo dõi về y tế học đường và có tủ thuốc cấp cứu.

Cộng đồng an toàn cho trẻ: cây cối cần rào để trẻ em khỏi leo trèo; những đoạn đường trong ngõ xóm bằng phẳng, không bị ổ gà, không cho xe cơ giới đi vào khu vực vui chơi, sinh hoạt của trẻ em tại cộng đồng; phát hoang cây cối, lắp đèn chiếu sáng, biển báo ở các đầu mối giao thông; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ao hồ, sông rạch phải được rào hoặc có biển báo những nơi có nguy cơ; giếng, bể, lu đựng nước phải có nắp đậy chắc chắn; tổ chức day bơi cho trẻ em, có nơi trông trẻ an toàn. Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, đặc biệt là thức ăn bày bán ngoài đường; cẩn thận chế biến thực phẩm khi ma chay, cưới xin, giỗ tết…; không sử dụng các gia súc, gia cầm bị chết hoặc nghi có bệnh. Không thả rông súc vật và không để trẻ chơi đùa với súc vật nuôi trong nhà, súc vật phải được tiêm phòng…Quản lý tốt các nơi công cộng, đặc biệt là các quán ăn, uống, chợ búa…để phòng ngừa thương tích do bạo lực.

Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em là trách nhiệm, cũng như mối quan tâm của cả xã hội. Để bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và kiến thức của các bậc ông bà, cha mẹ và cả cộng đồng./.