Hậu quả lâu dài của mất cân bằng giới tính

0
75

 

Mất cân bằng giới tính sẽ gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng trong xã hội.

Thống kê của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số LHQ cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái. Nhưng phải mấy chục năm nữa mới nhìn thấy hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính. Đây chính là vấn đề khó nhất trong việc hạn chế tình trạng lựa chọn giới tính, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay.

Dự báo, gần 3 triệu đàn ông không có khả năng có vợ 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hưng (35 tuổi) ở Mỹ Hào, Hưng Yên còn trẻ đã có bốn mặt con. Bà Lê Thị Mận, mẹ anh Hưng chia sẻ: “Cháu là con trai trưởng lại độc đinh nên dù đã sinh ba con gái, chúng tôi vẫn động viên có thêm cháu trai để nối dõi tông đường. Nhà tôi còn nhiều đất ruộng nên có thêm người vẫn rất quý, lại có thêm lao động”.

Theo thống kê của Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hưng Yên, năm 2021, riêng tại huyện Mỹ Hào, tỷ số giới tính khi sinh đều vượt quá 120 nam/100 nữ. Cuối năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3671/QĐ-BYT về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, có 21 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giới tính khi sinh: 112 bé trai/100 bé gái; 18 tỉnh khác từ 109-112 bé trai/100 bé gái. Trong đó, Sơn La có tỷ lệ 118,2 bé trai/100 bé gái; Hưng Yên là 118,1 bé trai/100 bé gái; Bắc Ninh: 117,7 bé trai/100 bé gái, Hà Nội: 113 bé trai/100 bé gái… Chênh lệch cao nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Tình trạng mất cân bằng giới tính này đưa Việt Nam vào nhóm các nước trên thế giới có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao. Ở châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Nguyên nhân của mất cân bằng giới tính khi sinh một phần do tâm lý ưa thích con trai, phong tục muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Nhiều người vẫn đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội. Đồng thời, việc tiếp cận các dịch vụ y tế ngày càng dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai…

Năm 2006, Việt Nam bắt đầu có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tình trạng này diễn biến rất nhanh và đến bây giờ thì đặc biệt nghiêm trọng. Theo dự báo của Quỹ Dân số LHQ thì đến năm 2050, nước ta dư thừa ít nhất 2,3 triệu cho đến 3,4 triệu đàn ông không có khả năng có vợ. Nếu thị trường hôn nhân rối loạn thì tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ- trẻ em và các hiện tượng mất an ninh khác cũng sẽ bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng.

Chưa đánh động được nguy cơ

Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình nhận xét, chúng ta không thể quan sát được ngay những hệ quả như vừa nói mà phải khoảng 30 năm sau. Tuổi kết hôn trung bình của nam giới Việt Nam hiện nay là 27,2 tuổi, thì nếu việc lựa chọn sinh con trai vào năm 2006, đến năm 2033 hậu quả mới xuất hiện. “Đây chính là việc khó khăn nhất trong hạn chế tình trạng lựa chọn giới tính, mất cân bằng giới tính khi sinh”, ông Tân nói.

Thách thức lớn nhất của công tác dân số tại Việt Nam hiện nay là làm thế nào để bảo đảm cân đối giữa yêu cầu nhiệm vụ với việc nhận thức và tổ chức thực hiện. Theo Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ rất lớn và cùng một lúc, chúng ta phải thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân số: Duy trì mức sinh thay thế; Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; Thích ứng với già hóa dân số; Thực hiện phân bổ dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số. Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng, suốt nhiều năm qua làm công tác dân số, chúng ta mặc định: Dân số là giảm sinh, là kế hoạch hóa gia đình. Nay phải thực hiện công tác dân số một cách toàn diện. Trong khi đó, chúng ta lại gặp nhiều khó khăn về kinh phí, con người và bộ máy thực hiện.

Thông tin chi tiết tại đây.