Dấu hiệu tiền mãn kinh và cách khắc phục

0
68

Tuy có nhiều khó chịu nhưng tiền mãn kinh là một phần trong đời sống sinh lý bình thường của người phụ nữ. Vì vậy, chúng ta nên chuẩn bị tâm lý đón nhận và vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng.

1. Những khó chịu trong giai đoạn tiền mãn kinh

Tuổi mãn kinh trung bình phụ nữ bắt đầu từ 50 tuổi, nhưng dấu hiệu tiền mãn kinh có thể bắt đầu từ 40 tuổi. Giai đoạn tiền mãn kinh xảy ra sẽ sớm hoặc muộn hơn, thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào mỗi cá nhân, có thể trong một năm, có khi kéo dài hai đến bốn năm.

Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, người phụ nữ thường phải đối mặt với những rối loạn về nội tiết, tâm sinh lý. Sự rối loạn nội tiết tố sẽ kéo theo nhiều rối loạn khác. Đặc điểm chung phổ biến nhất đó chính là sự thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt và tính chất của kinh nguyệt.

Đó là do nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể người phụ nữ không ổn định. Trong thời kỳ này, buồng trứng bắt đầu suy giảm chức năng, dần dần ngưng tiết hai loại hormon estrogen và progesterone. Từ đó, sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ khiến quá trình rụng trứng diễn ra không đều, đồng thời gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

Bạn sẽ thấy vòng kinh của mình thay đổi, ít dần, kéo dài và thưa dần, kinh nguyệt bị rối loạn, có thể bị rong kinh hoặc cường kinh.

Bên cạnh đó cơ quan sinh dục cũng thay đổi: ngực teo nhỏ và chảy xệ, teo, khô vùng âm hộ, âm đạo khiến cho quan hệ tình dục khô rát làm nhiều phụ nữ thấy sợ hãi, lo lắng và né tránh.

Phụ nữ tiền mãn kinh dễ bốc hỏa

Đa số phụ nữ sẽ thấy tự nhiên cơ thể mình nóng nực, bốc hoả. Thỉnh thoảng, vã mồ hôi, nóng bừng mặt, trống ngực đập dồn dập và hồi hộp, mệt mỏi, khó chịu.

Tính tình chị em thay đổi, dễ cáu gắt, dễ giận hờn, tủi thân… Có người trở nên trầm cảm, lo âu, không quan tâm đến những việc xung quanh, thờ ơ với mọi người, thích được ở một mình.

Trong thời kỳ này, ngoài sự suy giảm hormon estrogen và progesterone, các hormone tuyến thượng thận và tuyến giáp dao động sẽ ảnh hưởng đến cách cơ thể điều chỉnh năng lượng và có thể gây ra mệt mỏi.

Một số phụ nữ nhạy cảm với sự thay đổi hormone hơn những người khác. Nhất là những người đã từng bị các triệu chứng tiền kinh nguyệt, có những thay đổi về cảm xúc khi mang thai, bị trầm cảm sau sinh…

Một số phụ nữ có sự thay đổi tâm trạng, cảm giác trong người luôn khó chịu hoặc có thể làm tăng nguy cơ gây trầm cảm. Nguyên nhân của hiện tượng này là do rối loạn giấc ngủ, nhưng cũng có thể được gây ra bởi các yếu tố không liên quan đến những thay đổi nội tiết tố của tiền mãn kinh.

Sự căng thẳng tâm lý, chán nản có thể dẫn đến mất ngủ, suy nhược thần kinh. Mất ngủ do tiền mãn kinh khiến cho chị em càng mệt mỏi, khó chịu. Nếu không được cải thiện dễ rơi vào trầm cảm và khó kiểm soát.

Bước vào giai đoạn này lượng hormone estrogen suy giảm hoặc rối loạn cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, loãng xương, đau nhức xương…

Giai đoạn này cũng dễ bị loãng xương, đau nhức xương 

2. Làm gì để khắc phục?

Tiền mãn kinh là một phần trong đời sống sinh lý bình thường của người phụ nữ. Vì vậy, chúng ta nên chuẩn bị tâm lý đón nhận và vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng.

Tùy từng trường hợp có thể cần tư vấn bác sĩ để có chỉ định can thiệp phù hợp như: dùng thuốc, bổ sung nội tiết tố…Tuy nhiên biện pháp đơn giản là nên có sự chuẩn bị về tâm lý, tập luyện và có chế độ dinh dưỡng tốt trước giai đoạn này.

Bên cạnh việc tạo cho mình có một cuộc sống vui tươi, thoải mái, tránh những lo âu phiền muộn, chị em phụ nữ cần phải giữ sức khỏe thể chất thật tốt bằng cách duy trì dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi còn trẻ.

Nếu có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp cải thiện tình trạng loãng xương, giảm nguy cơ tổn thương khớp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong giai đoạn mãn kinh.

Cần ăn uống đầy đủ chất, đa dạng thực phẩm. Bổ sung thực phẩm giàu canxi; Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và chất khoáng như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt…; Uống đủ nước; Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, đường, muối…; Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá…

Phụ nữ tiền mãn kinh cần tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và chất khoáng.

Có lối sống lành mạnh, sinh hoạt hợp lý. Không làm việc quá sức. Ngủ đủ giấc.

Thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp chị em duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan, yêu đời.

Nếu có vấn đề về sức khoẻ, cần đi khám để được bác sĩ tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp.

BS CKI Hoàng Hường