Bất kỳ chị em nào sau khi sinh con cũng nên biết điều này

0
65

GiadinhNet – Nhiễm khuẩn sau sinh là một trong những tai biến sản khoa thường gặp ở phụ nữ, gây nhiều hệ lụy xấu đối với sức khỏe nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Cách đây 2 năm, sau khi sinh con đầu lòng được 3 tuần, chị Thu Trang (quê Nam Định) thấy đau tức vùng bụng dưới, sản dịch ra nhiều và có mùi hôi. Nghĩ là hiện tượng bình thường sau sinh, lại ngại đường đến bệnh viện xa xôi nên chị không đi khám, ở nhà lấy nước ấm để chườm bụng. Tuy nhiên, 3 ngày sau, chị Trang được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, người mệt mỏi, bụng đau và hơi trướng.

Tại đây, các bác sĩ cho biết, chị bị nhiễm khuẩn ở âm đạo, cổ tử cung. Rất may chị được đưa đến viện kịp thời, nếu để lâu, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn tử cung và các phần phụ khác, rất nguy hiểm đến tính mạng.


Nhiễm khuẩn sau sinh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Ảnh minh họa

Nhiễm khuẩn sau sinh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Ảnh minh họa

Thực tế, trường hợp của chị Trang không phải là hiếm. Mới đây, theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đơn vị này vừa tiến hành phẫu thuật mở thông lấy… 6 lít dịch mủ ra khỏi ổ bụng một sản phụ bị nhiễm khuẩn sau sinh.

Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung Tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội), nhiễm khuẩn sau sinh là một trong những tai biến sản khoa thường gặp, có thể gây tử vong cho sản phụ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiễm khuẩn sau sinh là do việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân trước, trong và sau sinh không đảm bảo an toàn; các dụng cụ, trang thiết bị sản khoa không đảm bảo vô trùng; quá trình chuyển dạ kéo dài; sản phụ bị vỡ ối sớm, đẻ non hoặc sót rau sau sinh.

Bên cạnh đó, một số sai lầm chị em hay mắc sau sinh như: Nằm trong phòng kín suốt một thời gian dài, nhất là trong buồng tối ít ánh nắng mặt trời; kiêng tắm gội cả tháng sau khi sinh con; thụt rửa phần phụ quá nhiều lần trong ngày để nhanh “tống” hết sản dịch ra ngoài… cũng khiến các vi khuẩn có cơ hội gia tăng và gây bệnh đối với cơ thể còn yếu của sản phụ, tăng khả năng dẫn tới việc bị nhiễm khuẩn sau sinh.

Một số dạng nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn tầng sinh môn; nhiễm khuẩn âm đạo, cổ tử cung; nhiễm khuẩn tử cung; viêm nhiễm vòi trứng; nhiễm khuẩn huyết… Trong đó, nhiễm khuẩn huyết là trường hợp nặng nhất, khó điều trị và nguy cơ tử vong rất cao.

Một số triệu chứng của nhiễm khuẩn sau sinh:

– Âm hộ phù nề, sưng to, vết khâu ở tầng sinh môn có mủ.

– Sản phụ bị ra nhiều sản dịch có mùi hôi, thậm chí ra máu.

– Đau tức vùng bụng dưới, có trường hợp đau phù chân

– Đau đầu, buồn nôn, thậm chí tê chân tay

– Cơ thể khó chịu mệt mỏi, ăn kém, sụt cân, mất ngủ

– Sản phụ bị sốt cao liên tục >39 độ C

Lưu ý để tránh nhiễm khuẩn sau sinh:

– Sau khi sinh khoảng 2 tuần, sản phụ nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám lại để chắc chắn đã hồi phục sức khỏe, phát hiện những biến chứng nếu có và kịp thời điều trị.

– Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, kết hợp nghỉ ngơi và vận động hợp lý, không nằm quá lâu để tránh cơ thể bị uể oải về sau.

– Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ hàng ngày bằng nước sạch. Không nên lạm dụng các loại hóa chất tẩy rửa

– Khi thấy bất cứ triệu chứng: sốt, ra máu hay ra sản dịch nhiều có mùi hôi, sản phụ nên đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nặng không đáng có.

N.Mai