Dự thảo Luật Dân số sẽ có nhiều điểm mới

0
92

GiadinhNet – Tại Hội thảo Báo chí với công tác Dân số, hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới (11/7) do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức (ngày 24/6), nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm liên quan đến chủ đề Ngày Dân số Thế giới năm nay và dự thảo Luật Dân số đã được chia sẻ.

Chủ đề Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay hướng về phụ nữ và trẻ em gái ở vùng thiên tai dễ bị tổn thương. Ảnh: Chí Cường

Chủ đề Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay hướng về phụ nữ và trẻ em gái ở vùng thiên tai dễ bị tổn thương. Ảnh: Chí Cường

Khó khăn do kinh phí bị cắt giảm

Nhấn mạnh về sức mạnh của công tác truyền thông, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) khẳng định: Công tác truyền thông – giáo dục luôn được ngành Dân số coi trọng và bao giờ cũng đi trước một bước. Sự nghiệp Dân số thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào công tác này.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), ông Nguyễn Văn Tân đã gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo đã ủng hộ, đồng hành, giúp đỡ ngành Dân số hoàn thành nhiệm vụ được giao và hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm quý báu của báo chí trong thời gian tới.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia về dân số và những người làm báo chia sẻ về những thành tựu nổi bật đã đạt được, cũng như những khó khăn, thách thức mà ngành Dân số đang phải đối mặt, đặc biệt việc ngân sách Nhà nước dành cho Chương trình DS-KHHGĐ bị cắt giảm mạnh liên tục trong những năm gần đây, dẫn tới không đủ nguồn lực để đảm bảo thực hiện các hoạt động thiết yếu nhằm đạt các mục tiêu Chương trình.

Việc cắt giảm ngân sách gây khó khăn cho việc cung ứng các biện pháp tránh thai, đảm bảo dịch vụ KHHGĐ cho người dân. Việt Nam có sự chuyển hướng chính sách trong cung cấp phương tiện tránh thai. Hiện chỉ còn khoảng 30% số cặp vợ chồng được hưởng miễn phí các dịch vụ KHHGĐ, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn. Số còn lại phải mua qua kênh tiếp thị xã hội, thị trường. Trong khi quá trình làm cho người dân quen với cơ chế tự chi trả, công tác tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai còn gặp vô số khó khăn.

Theo ước tính về nhu cầu ngân sách giai đoạn 2011-2020, Việt Nam cần khoảng 3.132 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) để mua phương tiện tránh thai phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Mặc dù vậy, trong 3 năm (2012-2014), tổng ngân sách phân bổ cho việc mua sắm phương tiện tránh thai lại chỉ có 254 tỷ đồng, chưa đáp ứng được 1/10 nhu cầu.

Việc thiếu hụt các phương tiện tránh thai trong chương trình DS-KHHGĐ, theo các chuyên gia, có thể dẫn tới việc gia tăng số phụ nữ mang thai, sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai, hoặc tăng dân số, đặc biệt ở vùng có mức sinh cao, chưa ổn định. Từ đó, sẽ gây ra gánh nặng về kinh tế cho cá nhân, gia đình, xã hội. Trên thực tế, những năm gần đây, biểu đồ biến động về mức sinh cho thấy, mức sinh ở Việt Nam đang có dấu hiệu nhích lên.

Trả lời câu hỏi về việc ứng phó của ngành Dân số như thế nào trước tình hình cắt giảm ngân sách này, đảm bảo nhu cầu về phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ đang rất cao của người dân, ông Nguyễn Văn Tân cho hay: Có nhiều phương tiện tránh thai Việt Nam chưa sản xuất được, hoặc chưa sản xuất phổ biến trong nước (vòng tránh thai, thuốc cấy, tiêm tránh thai..). Những phương tiện tránh thai này cần được bố trí kinh phí để mua. Còn những phương tiện tránh thai có thể sản xuất được ở trong nước, ngành Dân số đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ cho phép kết hợp với các nhà cung cấp để kết nối giữa họ và người dân. Một phần nguyên nhân là do các nhà cung cấp chưa có điều kiện, nguồn lực để quảng bá, mở rộng hệ thống bán hàng, đưa phương tiện tránh thai tiếp cận với người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Ngành Dân số đã đẩy mạnh hơn cơ hội “gặp nhau” giữa nhà cung cấp và người sử dụng phương tiện tránh thai.

Sẽ quy định phá thai có điều kiện

Tại hội thảo, một số nội dung xung quanh dự thảo Luật Dân số được nhiều phóng viên quan tâm như: Dự thảo Luật có điểm gì mới? Dự thảo Luật có quy định số con mỗi cặp vợ chồng được sinh hay không?… Ông Nguyễn Văn Tân thông tin, có rất nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Dân số dự kiến sẽ trình Quốc hội vào nhiệm kỳ sau. Đơn cử, dự thảo Luật quy định rõ hơn, cụ thể, chi tiết hơn về một trong những loại hành vi để lại hậu quả lớn trong công tác Dân số là mất cân bằng giới tính khi sinh. Quy định này sẽ là căn cứ pháp lý trong việc quản lý Nhà nước nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngoài ra, cũng liên quan đến vấn đề này, dự kiến dự thảo Luật sẽ quy định phá thai có điều kiện.

“Hiện nay, Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân (năm 1989) đang quy định: Phụ nữ có quyền phá thai theo nguyện vọng. Trong dự thảo Luật Dân số, chúng tôi dự kiến có “khoanh” một nhóm nhỏ, đó là những trường hợp phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi có liên kết với các điều kiện kỹ thuật phổ biến hiện hành (phá thai từ 12 tuần trở lên)”, ông Nguyễn Văn Tân nói.

Về vấn đề dự thảo Luật Dân số có quy định số con mỗi cặp vợ chồng được phép sinh, ông Nguyễn Văn Tân thẳng thắn: Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự quyết định trong sinh đẻ của người dân. Sinh sản là quyền của mỗi người và phải được bảo vệ giống như là một cấu thành bất biến không thể tách rời của quyền con người. Nhưng để đảm bảo đạt được mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã, đang chỉ đạo thực hiện cuộc vận động lớn về DS-KHHGĐ, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tự nguyện chấp nhận, thực hiện các mục tiêu của cuộc vận động này vì lợi ích chung và lợi ích của chính người dân.

Đối với chủ đề Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay: “Hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”, ông Nguyễn Văn Tân đánh giá đây là một chủ đề hay, rất nhân văn của Liên Hợp Quốc, phản ánh một vấn đề to lớn của cộng đồng toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, đang phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do con người gây ra, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ; Tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác.

Cùng với các ngành khác, ngành Dân số cũng bị ảnh hưởng nặng nề của vấn đề này. Do đó, thời gian tới, ngành sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường đảm bảo dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; Nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác.

Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội