Dân số và Biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Sẵn sàng thích ứng

0
125

GiadinhNet – Theo dự báo, cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình nước ta tăng thêm 2-3oC trên phần lớn lãnh thổ, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, nhiệt độ tăng nhanh hơn. Lượng mưa cũng tăng từ 2-7%, riêng Tây Nguyên, Nam Trung bộ tăng ít hơn. Dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các hiểm họa có liên quan, đặc biệt là gần 70% dân số nước ta sống tại các vùng đất thấp, trong khu vực châu thổ hoặc dọc bờ biển, khu vực miền núi.

Người dân vùng ven biển, ngập mặn - đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai. Ảnh: internet
Người dân vùng ven biển, ngập mặn – đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai. Ảnh: internet

Đối mặt với nắng lửa, mưa nguồn

Việt Nam hàng năm phải gồng mình gánh chịu hàng chục cơn bão lớn nhỏ. Kéo theo đó là lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, úng lụt; mùa khô thì hạn hán kéo dài… mang đến những thiệt hại rất lớn không chỉ về của cải vật chất mà cả con người và cơ hội phát triển. Những năm gần đây, hiện tượng El Nino, La Nina, kiểu thời tiết cực đoan liên tục xuất hiện ngày càng dầy, càng dài, diện bao phủ càng rộng. Các nhà khoa học đã dự báo, Việt Nam là một trong những điểm hứng chịu nhiều thiệt hại nhất trên thế giới bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu và nước biển dâng.

Nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi và nước biển dâng là những biểu hiện chủ yếu của biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Giai đoạn 1958-2007, nhiệt độ trung bình nước ta đã tăng khoảng 0,7oC. Số liệu đo được từ các trạm thủy văn ven biển trong suốt 26 năm (1988-2013) đã khẳng định tại Đồng bằng sông Cửu Long, nước biển ngày một dâng lên.

Theo kịch bản phát thải trung bình, cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình nước ta tăng thêm 2-3oC trên phần lớn lãnh thổ, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị tăng nhanh hơn. Lượng mưa cũng tăng từ 2-7%, riêng Tây Nguyên, Nam Trung bộ tăng ít hơn. Tuy nhiên, lượng mưa mùa khô giảm, mùa mưa tăng và xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay. Nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang từ 62-82cm, thấp nhất là khu vực từ Móng Cái đến Hòn Dấu từ 49-64cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng khoảng 57-73cm.

Những tác động từ biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh trên tất cả các vùng miền: Khu vực ven biển, hải đảo, Đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ chịu nhiều tác động của bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, xói lở trong mùa mưa và hạn hán trong mùa khô. Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng. Vùng núi và trung du Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên thường chịu ảnh hưởng của lũ, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, hạn hán.Khu vực đô thị sẽ bị tổn hại nghiêm trọng từ hiện tượng nước biển dâng, bão, lũ lụt bởi hầu hết các đô thị lớn của nước ta nằm trong khu vực đồng bằng và ven biển.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên Môi trường, nếu nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập, trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, thời vụ, tăng nguy cơ bệnh dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô dẫn đến hạn hán nhưng lại quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm đến cạn kiệt do khai thác quá mức cho nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất điện năng nhưng lại thiếu nguồn nước bổ sung.

Có thể nói, biến đổi khí hậu tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng của nước ta. Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban chấp hành TƯ Đảng ngày 3/6/2013 đã nhận định: “Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21”.Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Jim Young Kim khẳng định: “Thiếu lương thực trên diện rộng, những luồng nóng chưa từng có sẽ xảy ra và những trận lốc xoáy cường độ mạnh hơn. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và hy vọng của nhiều cá nhân và gia đình mà họ lại không phải nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên”.

Biến đổi khí hậu và dân số

Tờ rơi truyền thông DS-KHHGĐ về với ngư dân vùng biển Bình Đại - Bến Tre.
Ảnh: Dương Ngọc
Tờ rơi truyền thông DS-KHHGĐ về với ngư dân vùng biển Bình Đại – Bến Tre. Ảnh: Dương Ngọc

Dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các hiểm họa có liên quan, đặc biệt là gần 70% dân số nước ta sống tại các vùng đất thấp, trong khu vực châu thổ hoặc dọc bờ biển, khu vực miền núi. Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, khi nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng gần 35% dân số các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và trên 9% dân số Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp. Điều đó có nghĩa là trên 10 triệu người, chiếm 11% tổng dân số sẽ bị tác động trực tiếp, trong đó riêng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 6,1 triệu người. Như vậy, 11% dân số này có thể sẽ phải di dời đến nơi ở mới. Di dời hay không di dời? Di dời đến đâu và sinh sống như thế nào quả là một bài toán nan giải mà kéo theo đó biết bao nhiêu tác động, hệ lụy!

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp tới chất lượng dân số nước ta bởi sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm, các bệnh như mất ngủ, ăn uống kém, khó thở, chóng mặt, nhức đầu,thiếu chất dinh dưỡng, những rối loạn của cơ thể…. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ bệnh sốt rét, tiêu chảy và suy dinh dưỡng sẽ gia tăng theo biến đổi khí hậu, số người chết, người ốm cũng vì thế tăng theo mỗi năm.

Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là nông dân nghèo, dân tộc thiểu số miền núi, người già, trẻ em và phụ nữ. Hậu quả của biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng đối với các mục tiêu dân số, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước.

Chung tay bảo vệ môi trường

Ông Ralph Cantral, cố vấn cấp cao Văn phòng Quản lý biển và Tài nguyên bờ biển (Hoa Kỳ) đã gợi ý 3 phương án ứng phó. Thứ nhất: Tiến hành các biện pháp bảo vệ đất, nhất là khu vực ven biển. Thứ 2: Xây dựng các biện pháp thích nghi như nâng kết cấu hoặc tạo ra các kết cấu có thể di chuyển được. Thứ 3:  Di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng theo thời vụ hoặc vĩnh viễn. Sau khi di dời, có thể tận dụng các vùng đất này làm đất nông nghiệp hoặc các mục đích khác phù hợp hơn.

Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam (2011) đã đưa ra các nhiệm vụ chiến lược như: Giám sát khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và tài nguyên nước, ứng phó tích cực với nước biển dâng phù hợp với các vùng dễ bị tổn thương… trong đó có nhiệm vụ nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe (bao gồm SKSS-KHHGĐ) cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt coi trọng các nhóm xã hội dễ bị tổn thương là phụ nữ, trẻ em, người già, người nghèo, dân tộc thiểu số…

Là một đất nước thường xuyên đối mặt với bão lụt, thiên tai, ngành Dân số trong hơn nửa thế kỷ qua đã chủ động xây dựng được hệ thống tổ chức bộ máy, con người từ Trung ương  đến địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động và cung cấp dịch vụ dân số đến mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Trước những biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, cũng đặt ra yêu cầu đối với Ngành trong việc nỗ lực tăng cường cung cấp dịch vụ dân số cho mọi tầng lớp nhân dân với chất lượng ngày càng cao, thuận tiện, đa dạng, nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo đủ dự phòng tại các cấp Trung ương, địa phương. Nâng cao chất lượng dân số trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là đối với nhóm dân cư dễ bị tổn thương trong thiên tai phù hợp với định hướng dân số và phát triển bền vững như Chiến lược DS-SKSS, Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 đã đề ra.

Điều đó cũng đúng như chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường:“Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong các vùng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu”. “Chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư trong những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão và những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất”.

Là một đất nước thường xuyên đối mặt với bão lụt, thiên tai, ngành Dân số trong hơn nửa thế kỷ qua đã chủ động xây dựng được hệ thống tổ chức bộ máy, con người từ Trung ương  đến địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ  đến mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. 

Đảng Lương/Báo Gia đình & Xã hội