Bộ Y tế ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025

0
52

GiadinhNet – Khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên càng sớm càng tốt là một yêu cầu cấp thiết góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ năm 2006, vấn đề

mất cân bằng giới tính khi sinh

(MCBGTKS) ở nước ta trở nên “nóng”, thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội. Trong những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) vẫn tiếp tục tăng và ở mức cao. Các nhà nhân khẩu học trong và ngoài nước đều dự báo TSGTKS của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.TSGTKS của nước ta đang ở mức cao, tăng nhanh và ngày càng nghiêm trọng; MCBGTKS xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất, đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên; mức độ MCBGTKS cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình trang kinh tế gia đình khá giả.

Các nhà nghiên cứu dự báo rằng, MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số của Việt Nam trong tương lai, dẫn tới dư thừa nhiều nam giới trong xã hội. Việc thiếu phụ nữ sẽ làm cho rất nhiều nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời để kết hôn. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.


Quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025

Quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025

Do vậy, từng bước khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên càng sớm càng tốt là một yêu cầu cấp thiết góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 kèm theo Quyết định số 1472/QĐ-BYT ngày 20/4/2016. Đây là một quyết định mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục về giảm thiểu MCBGTKS, định hình vững chắc quan điểm, nhận thức về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ…

Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Từ 2016-2020 tập trung triển khai các nghiên cứu về MCBGTKS, triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông, thử nghiệm và thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp các dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi trên phạm vi cả nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm giảm đáng kể tốc độ gia tăng TSGTKS.

Từ 2021-2025: Tiếp tục triển khai manh mẽ, đồng bộ các hoạt động truyền thông; thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cáp các dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi trên phạm vi cả nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm giảm đáng kể tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại gần mức cân bằng tự nhiên.

Việc triển khai có hiệu quả Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ góp phần giảm thiểu các hậu quả về an ninh, trật tự an toàn xã hội, cải thiện bình đẳng giới và phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững…

Mai Thùy/Báo Gia đình & Xã hội