Hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam – Kỷ niệm 55 năm truyền thống công tác DS-KHHGĐ (26/12/1961- 26/12/2016) Chuyển trọng tâm chiến lược sang Dân số và phát triển

0
53

GiadinhNet – Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển với các nhiệm vụ chính như: Nâng cao chất lượng dân số; đầu tư chăm sóc người cao tuổi (NCT); giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS)… là những vấn đề cốt lõi trong Hội thảo Cung cấp tin về dân số và phát triển cho các cán bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, phi Chính phủ do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức ngày 1/12 tại Hà Nội.

Công tác dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước... Ảnh: Dương Ngọc
Công tác dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước… Ảnh: Dương Ngọc

Thích ứng với già hóa dân số

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuân Mai,Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2026. Quy mô dân số thành thị ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc quy mô dân số nông thôn giảm dần (từ năm 2020) và thấp hơn quy mô dân số thành thị vào năm 2039. Trẻ em trong độ tuổi tiểu học (từ 5 – 10) sẽ vẫn tăng đến năm 2025. Sau đó, dân số độ tuổi này sẽ giảm mạnh đến năm 2034. Mức độ tăng dân số trẻ trong độ tuổi THCS (từ 11-14) sẽ tăng chậm hơn trẻ em độ tuổi tiểu học nhưng thời gian tăng kéo dài đến năm 2030.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ ổn định và bắt đầu giảm mạnh vào những năm 2035. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ “dư thừa” khoảng 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn và năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Nhấn mạnh về việc tận dụng cơ cấu dân số vàng và thích ứng với quá trình già hóa dân số, ThS Lương Quang Đảng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết, cơ cấu dân số theo nhóm tuổi ở Việt Nam thay đổi một cách nhanh chóng. Theo đó, năm 1979, nhóm dân số tuổi từ 0-14 tuổi chiếm 42%, đến năm 2015, tỷ lệ này giảm xuống còn 25%. Ngược lại, nhóm dân số tuổi từ 15- 64 có xu hướng tăng từ 53% lên 68,4%, nhóm dân số trên 65 tuổi cũng tăng từ 5% lên 7,6%.

Thời kỳ cơ cấu dân số vàng sẽ đem lại những lợi thế như: Cung cấp lực lượng lao động dồi dào; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như quá trình đô thị hóa; thu hẹp khoảng cách nông thôn, thành thị và các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, theo ThS Lương Quang Đảng, Việt Nam cũng là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Theo đó, nếu không thích ứng kịp thời với già hóa dân số, nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do NCT của Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, 70% không có tích luỹ vật chất. Trong khi đó, hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, chỉ 30% số NCT có lương hưu hoặc được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, nước ta chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa bắt kịp với sự thay đổi này, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về NCT còn nhiều khó khăn, bất cập…

Do đó, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội về NCT cũng như đẩy mạnh phát huy vai trò, lợi thế của NCT; tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, các dịch vụ y tế và chăm sóc NCT là những việc làm cần thiết để thích ứng với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.

Cuộc cách mạng trong chính sách dân số

Bàn về các định hướng chính sách của Đảng về công tác dân số trong thời gian tới, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, hơn nửa thế kỷ qua, chính sách dân số là một dòng chảy liên tục, là điểm quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng. Nghị quyết TƯ 4 Khóa VII đã nhấn mạnh: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế – xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.

GS.TS Nguyễn Đình Cử chia sẻ: Vấn đề cốt lõi hiện nay trong công tác dân số là phải chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển. Đây là cuộc cách mạng trong chính sách nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số với các nhiệm vụ chủ yếu như: Duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu MCBGTKS; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Để làm được những nhiệm vụ trên, GS.TS Nguyễn Đình Cử khuyến nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần; duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao. Duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển.

Ông Hồ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ tại Hội thảo: “Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học chưa từng có trong lịch sử, chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp; từ cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số và sẽ chuyển rất nhanh sang dân số già. Chất lượng dân số còn ở mức thấp cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra ngày càng mạnh mẽ với số lượng người di cư ngày càng đông… đặt ra nhiều thách thức cho công tác dân số. Những vấn đề mới nảy sinh trong công tác dân số có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển toàn diện của đất nước. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, Việt Nam đã sớm đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế, nên cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển…”.

Tiến trình chính sách dân số của Việt Nam

Theo GS. TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), Chính sách Dân số Việt Nam khởi đầu bằng Quyết định 216/CP ngày 26/12/1961 của Hội đồng Chính phủ về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”, trọng tâm là giảm sinh.

Đại hội IV, năm 1976: “Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hàng năm…”.

Đại hội V, năm 1982: “Giảm tốc độ tăng dân số bình quân của cả nước từ 2,4% hàng năm xuống 1,7% vào năm 1985”.

Đại hội VI, năm 1986: “Giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,2% hiện nay xuống 1,7% vào năm 1990”.

Đại hội VII, năm 1991: “Giảm tốc độ tăng dân số là một quốc sách, phải trở thành cuộc vận động rộng lớn, mạnh mẽ và sâu sắc trong toàn dân” .

Đại hội VIII, năm 1996: “Thực hiện đồng bộ chiến lược dân số trên cả ba mặt: Quy mô dân số, cơ cấu dân số và sự phân bố dân số; giảm tỷ lệ phát triển dân số mỗi năm khoảng 0,4 – 0,6%o.

Đại hội IX, năm 2001: “Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc SKSS -KHHGĐ; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phân bố dân cư hợp lý với quản lý dân số và phát triển nguồn nhân lực”.

Đại hội X, năm 2006: “Thực hiện tốt các chính sách DS-KHHGĐ. Giảm tốc độ tăng dân số. Tiếp tục duy trì kế hoạch giảm sinh và giữ mức sinh thay thế, bảo đảm quy mô và cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số”.

Đại hội XI, năm 2011: “Thực hiện tốt các chính sách DS-KHHGĐ, duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cân bằng giới tính hợp lý, nâng cao chất lượng dân số”.

Đại hội XII, năm 2016: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách DS-KHHGĐ… Thực hiện tốt chiến lược dân số, gia đình, chương trình hành động vì trẻ em… đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người, bảo đảm tổng tỉ suất sinh thay thế, giảm dần sự MCBGTKS và bảo đảm quyền trẻ em.

Hà Anh – Mai Thùy