TP Hồ Chí Minh: Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế cho cộng tác viên dân số

0
68

GiadinhNet – Không chỉ được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện chiến dịch cũng như mọi hoạt động thường niên khác của công tác DS-KHHGĐ, các “chiến sĩ trên mặt trận dân số” ở địa phương này còn được các cấp ủy-chính quyền hết sức chăm lo.

Cộng tác viên dân số huyện Cần Giờ- TP HCM truyền thông kiến thức chăm sóc SKSS cho ngư dân vùng biển. Ảnh: Dương Ngọc
Cộng tác viên dân số huyện Cần Giờ- TP HCM truyền thông kiến thức chăm sóc SKSS cho ngư dân vùng biển. Ảnh: Dương Ngọc

Tổ chức Chiến dịch chăm sóc SKSS trên 100% quận, huyện

Ngày 25/4, nhiều cung đường của thị trấn Cần Thạnh- huyện Cần Giờ- TP HCM trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường. Đoàn xe ô tô, xe đạp với cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu truyền thông về nâng cao chất lượng dân số- KHHGĐ bay rợp trong làn gió biển. Cần Giờ là một trong 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM đang rộn ràng tổ chức lễ ra quân Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ.

Năm nay,Chiến dịch đợt 1 kéo dài đến hết tháng 5, đợt 2 từ giữa tháng 9 đến tháng tháng 10 được diễn ra trên toàn 24 quận/huyện và 82 phường/xã/thị trấn với hơn 1.000 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, gần 200 cặp nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn được khám sức khỏe tiền hôn nhân. Riêng các chỉ tiêu gói dịch vụ KHHGĐ (triệt sản, dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, thuốc uống tránh thai, bao cao su) trong chiến dịch đều đạt 100%.

Tại Trạm Y tế thị trấn Cần Thạnh, chị Nguyễn Thị Xuyên chia sẻ: “Tôi đã được các cán bộ dân số truyền thông, tư vấn kỹ lưỡng về chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Vợ chồng tôi hiểu được lợi ích của việc sàng lọc là để chủ động phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các tật, bệnh, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp trẻ sinh ra được phát triển bình thường, tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ”.

Hai bạn trẻ Ngô Trung Hiếu và Huỳnh Thị Yến Nhi (cùng sinh 1991) vừa được khám sức khỏe tiền hôn nhân trong khuôn khổ Chiến dịch, nói rằng “mình may mắn” vì được tham gia. “Chỉ hơn 3 tuần nữa là chúng em kết hôn rồi. Ngày 21/4 vừa qua chúng em cùng với 7 cặp đôi khác được hướng dẫn khám sức khỏe tiền hôn nhân ở Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản thành phố. Kết quả khám giúp chúng em yên tâm tiến đến hôn nhân hơn…”-cô dâu tương lai chia sẻ.

Theo thông tin từ Chi cục DS-KHHGĐ TP: 8 cặp đôi ở địa bàn đăng cai ra quân hiến dịch được miễn phí toàn bộ chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân. Riêng gần 200 cặp đôi khác trên các địa bàn còn lại của TP.HCM sẽ tham gia Chiến dịch theo hướng xã hội hóa- tức là các cặp đôi tự chi trả phí khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đây là năm thứ 5 TP.HCM tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép. Ngoài truyền thông và cung ứng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn thêm hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.Gắn 2 hoạt động này vào nhau là bước đi mang tính chiến lược của ngành Dân số TP.HCM. Song chiến lược cao hơn nữa chính là từng bước xã hội hóa các hoạt động Dân số.“Các kết quả đạt được thông qua chiến dịch sẽ giúp ngành DS-KHHGĐ TP.HCM đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu được Trung ương giao”- ông Trần Văn Trị-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ chia sẻ thêm.

Hết lòng chăm lo các“chiến sĩ dân số”

Tại lễ ra quân Chiến dịch với sự tham dự của tất cả lãnh đạo Phòng Y tế 24 quận/huyện và lãnh đạo cấp ủy-chính quyền, ông Nguyễn Hữu Hưng-Phó Giám đốc Sở Y tế TP đã đề nghị các cơ sở y tế chuyên sâu (bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Bình Dân, Trung tâm Chăm sóc SKSS TP…) và các quận/huyện cùng hợp tác với tinh thần quyết tâm cao nhất cùng Chi cục Dân số đáp ứng đầy đủ các dịch vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao- Tất cả vì chất lượng nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng bày tỏ tới các cấp ủy-chính quyền các quận/huyện quan tâm, trợ giúp ngành Dân số nhiều hơn nữa!

Được biết năm 2016 vừa qua, ngành DS-KHHGĐ với sự hiệp lực tổng thể của ban-ngành, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên cơ sở, đã giúp ngành đạt vượt nhiều chỉ tiêu: Tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 65%, tỷ số giới tính khi sinh được duy trì ở mức 106,3 trẻ trai/100 trẻ gái, tỷ lệ thai phụ được sàng lọc trước sinh đạt 75%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc trước sinh đạt 62%. Dịp này đại diện ngành y tế cũng chuyển đến đội ngũ những“chiến sĩ dân số” trên toàn địa bàn lời động viên, chia sẻ hết sức ý nghĩa trong bối cảnh nhiệm vụ ngày thêm nặng nề trong khi nguồn kinh phí hoạt động lại khó khăn hơn.

Cuối năm 2016, TP.HCM vừa phải chi hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để giúp gần 12.000 cộng tác viên dân số trên toàn địa bàn nhận được thù lao 8 tháng (100.000đ/tháng từ ngân sách Trung ương) do nguồn ngân sách Trung ương bị chậm. Hiện các cộng tác viên dân số khu vực nội thành ngoài thù lao từ ngân sách Trung ương còn được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 100.000đ/tháng. Với các cộng tác viên dân số khu vực ngoại thành là 140.000đ/tháng. Ngoài ra, các “chiến sĩ dân số” ở TP.HCM còn được hỗ trợ 120.000đ phí mua bảo hiểm y tế.

Việc sử dụng ngân sách địa phương, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo liên quan đến các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, quan tâm chăm lo đội ngũ cộng tác viên dân số đã giúp TP.HCM đạt nhiều thành tựu về công tác dân số suốt thời gian qua. Liên quan đến vấn đề này,ông Trần Văn Trị- Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP chia sẻ thêm: Nếu được Hội đồng nhân dân TP thông qua trong kỳ họp tới, các cán bộ, cộng tác viên dân số ở địa phương này sẽ còn được chăm lo tốt hơn nữa. “Hy vọng cấp ủy-chính quyền và Hội đồng nhân dân TPHCM xem xét thông qua, để thù lao cho cộng tác viên dân sô khu vực nội thành tăng thêm 100.000đ/tháng (tổng cả hai nguồn ngân sách là 300.000đ/tháng), cộng tác viên ngoại thành tăng thêm 110.000đ/tháng (tổng là 350.000đ/tháng), mức hỗ trợ các cộng tác viên mua bảo hiểm y tế tăng từ 120.000đ lên gấp đôi, 240.000đ”, ông Trị bày tỏ hy vọng.

Hai bạn trẻ Ngô Trung Hiếu và Huỳnh Thị Yến Nhi vừa được khám sức khỏe tiền hôn nhân trong khuôn khổ chiến dịch. Ảnh: Đỗ Bá
Hai bạn trẻ Ngô Trung Hiếu và Huỳnh Thị Yến Nhi vừa được khám sức khỏe tiền hôn nhân trong khuôn khổ chiến dịch. Ảnh: Đỗ Bá

Theo các chuyên gia: TP HCM là một trong những địa bàn có mức sinh thay thế thấp nhất cả nước. Với mức trung bình chỉ 1,45 con, trong tương lai TP sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó phải kể đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Đồng thời thành phố cũng đang giảm nhanh thời kỳ cơ cấu dân số vàng và gia tăng tốc độ già hóa dân số.

Tuy nhiên, TP HCM cũng đạt được thành tựu nhất định khi kiểm soát được tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức thấp, với 105 trẻ trai/100 trẻ gái.Mặt khác, đây cũng là địa phương có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước, trung bình tuổi thọ trung bình của người dân TP đạt trên 76 tuổi, trong khi cả nước chỉ đạt 73,2 tuổi.

Đây là địa phương luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dân số với nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ bào thai, sơ sinh, thanh thiếu niên, trưởng thành và người cao tuổi. Giai đoạn 2016-2020 TP HCM phấn đấu đạt tỷ lệ sàng lọc trước sinh trên số bà mẹ mang thai 74%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh trên số trẻ sinh ra sống 64%; 441.838 người mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn…

Thanh Giang