Triển khai Nghị quyết số 21 –NQ/TW: Đưa nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trọng tâm trong lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền

0
60

GiadinhNet – Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp là nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được đề cập trong Nghị quyết số 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới, nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra.

Chất lượng dân số  được cải thiện nhiều mặt

Tại Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số  trong tình hình mới, Trung ương Đảng đánh giá, 25 năm qua, chất lượng dân số Việt Nam được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ ra rằng: Người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp. Tỉ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khoẻ mạnh thấp so với nhiều nước. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người.


Nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững là mục tiêu quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 21-NQ-TW

Nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững là mục tiêu quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 21-NQ-TW

Do đó, một mục tiêu rất quan trọng được Nghị quyết số 21 nêu rõ là: Nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Mục tiêu cụ thể là: Tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp

Nghị quyết nêu rõ: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hoá gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương. Phát huy tối đa lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số.

Ngoài ra, trong tình hình mới, công tác dân số cần đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, thể lực người Việt Nam. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khoẻ sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.

Một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng khác để thực hiện các mục tiêu dân số, trong đó có nội dung về nâng cao chất lượng dân số là: Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số.

Tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khoẻ sinh sản trước hôn nhân. Tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập. Đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng; thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua mạng.

Trong những năm qua, ngành Dân số, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình nâng cao chất lượng dân số, như: Mô hình Tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân, Đề án Tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; Mô hình can thiệp giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên-thanh niên…

Trong đó, Đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh do Tổng cục Dân số; Bộ Y tế đã được triển khai 63/63, tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại Trung ương, các thai phụ có thể đến 6 trung tâm sàng lọc là Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại Hà Nội; Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Y Dược Huế; Bệnh viện phụ sản TP Cần Thơ và Bệnh viện Nhi Trung ương; Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tỉnh Nghệ An.

Các trung tâm bảo đảm cung cấp các dịch vụ này cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại các tuyến quận, huyện, thai phụ có thể đến Trung tâm DS-KHHGĐ để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi.

T.Nguyên