Triển khai Nghị quyết số 21 –NQ/TW: Giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống

0
120

GiadinhNet – Đây là những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết số 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra đến năm 2030.

Đề cập đến vấn đề tảo hôn , kết hôn cận huyết thống, Nghị quyết số 21-NQ/TW  về công tác dân số trong tình hình mới, nhận định: Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người.

Trên thực tế, việc kết hôn ở lứa tuổi trẻ em vẫn là một thực trạng khó giải quyết, tồn tại ở cả người Kinh và đặc biệt phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 – 60%, đặc biệt là ở các cộng đồng người Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay và Bru – Vân Kiều.


Một cặp vợ chồng vừa tảo hôn, vừa kết hôn cận huyết tại huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ảnh: V.Thu

Một cặp vợ chồng vừa tảo hôn, vừa kết hôn cận huyết tại huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ảnh: V.Thu

Kết quả từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS) cho thấy tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi từ 15-19 đã kết hôn chiếm 10,3% vào năm 2014. Tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra trong các cộng đồng dân tộc thiểu số mà tỷ lệ tảo hôn ở khu vực miền núi phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên cũng khá cao.

Đơn cử, tại Lào Cai, Ban Dân tộc tỉnh này cho biết, báo cáo của các huyện, thành phố và khảo sát của Ban Dân tộc tại huyện Sa Pa và 6 xã của huyện Bát Xát từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 1.290 người (645 cặp) tảo hôn (tương đương 12,3% tổng số kết hôn), bình quân 258 cặp/năm, tăng 19% so với giai đoạn 2009-2013; 80% số cặp tảo hôn là người dân tộc Mông. Đây cũng là dân tộc có số người tảo hôn cao nhất trong số các dân tộc ít người tại nước ta (khoảng 33%). Xếp sau đó là người Thái (23%).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội. Nhiều trẻ mang thai sớm, chưa hoàn thiện về giải phẫu và sinh lý tâm lý đã bị ép buộc phải trở thành cha mẹ.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần. Những vùng tảo hôn, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi.

Rõ ràng, tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Kết hôn cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gene mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi (như bệnh tan máu bẩm sinh có thể làm trẻ bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao; sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời…).

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số phân tích: Mang thai ở độ tuổi vị thành niên được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái từ 15-19 tuổi trên toàn thế giới có liên quan đến thai kỳ.

Bà Quỳnh Hương cho hay, tảo hôn còn gây ra tình trạng lạm dụng và bạo lực. Trên thực tế, những cặp vợ chồng lấy nhau quá sớm khi tuổi đời còn nhỏ nên sự hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn dễ làm phát sinh những mâu thuẫn, phát sinh bạo lực gia đình. Trẻ em gái sau kết hôn dễ bị lạm dụng và chịu lạo lực nhiều hơn so với các cô gái ngang tuổi nhưng kết hôn muộn hơn. Ngoài ra, bạo lực có thể gây ra stress và trầm cảm sau những sang chấn về tâm thần. Những trẻ em gái kết hôn sớm thường bị bạn bè đồng lứa cô lập và bỏ rơi.

Nhận thức được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Đảng và Nhà nước Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách tiến hành vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chiến lược nâng cao sức khỏe, tầm vóc người Việt Nam.

Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025. Trong những năm qua, ngành Dân số cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, thông qua các mô hình nâng cao chất lượng dân số, giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết, đem lại những kết quả bước đầu về nhận thức và hành vi của người dân.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số cho rằng cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, cần thay đổi những tập quán không tốt của người dân. Nâng cao trình độ học vấn của con em đồng bào vùng dân tộc thông qua phát triển các trường nội trú trong vùng sâu vùng xa để các em có điều kiện học tập, kéo dài thời gian học tập, tham gia vào các lực lượng lao động có tay nghề cao hơn, thu nhập tốt hơn.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo cũng cần tập trung vào cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông để tăng khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc đối với những dịch vụ văn hóa, xã hội như việc mở rộng kết nối internet, kết nối truyền hình đến các khu vực nông thôn… Cùng với đó, kết hợp tuyên truyền vận động trực tiếp đối với các bậc cha mẹ, các em thiếu niên vị thành niên, các già làng, trưởng bản ở khu vực xa xôi, miền núi, dân tộc….

Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số

Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, thể lực người Việt Nam. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

T.Nguyên