Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ mít-tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7 và hưởng ứng sự kiện Đề án 52 năm 2018

0
62

Sáng 12/7/2018, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ mít-tinh kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11/7 và hưởng ứng sự kiện Đề án 52 năm 2018 với hơn 700 đại biểu tham dự là lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế, các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ Thành phố, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh; Lãnh đạo Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn; Cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ huyện Cần Giờ cùng các cơ quan báo, đài trên địa bàn Thành phố, với sự tài trợ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thai Nakorn Patana Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn dược phẩm Hoa Linh, Công ty cổ phần Nasaco.

Khai mạc buổi lễ, ông Trần Văn Trị – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao ý nghĩa chủ đề của ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay là “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững” và hưởng ứng sự kiện Đề án 52 “Nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo và ven biển”.

Đầu tư vào công tác Kế hoạch hóa gia đình chính (KHHGĐ) là đầu tư nhằm cải thiện sức khỏe, góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Đầu tư vào công tác KHHGĐ chính là sự đầu tư đảm bảo cho thành công của “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững được ban hành kèm theo chương trình nghị sự này.

Một trong những nội dung của Quyền bình đẳng giới chính là KHHGĐ tự nguyện, cho phép các cá nhân và các cặp vợ chồng được quyền tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định số con và thời điểm sinh con đồng thời cũng đẩy mạnh việc tiếp cận phổ cập với các dịch vụ Chăm sóc Sức khoẻ sinh sản, Sức khỏe tình dục, …

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền KHHGĐ vẫn là một quyền mà nhiều người hiện đang phải tranh đấu để có được mặc dù đã có rất nhiều các quy định về quyền được ban hành trên phạm vi toàn cầu và rất nhiều chương trình phát triển đã và đang ủng hộ một cách mạnh mẽ. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 225 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai chưa được sử dụng các biện pháp KHHGĐ an toàn và hiệu quả. Mặc dù tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gần gấp đôi trên toàn thế giới từ 36% tại thời điểm năm 1970 lên trên 64% vào năm 2017, nhưng chúng ta vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài để có thể đảm bảo rằng tất cả phụ nữ đều có quyền tự quyết định số con, thời điểm sinh và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với chính mình.

Vì lý do trên, Chính phủ và nhân dân Việt Nam ủng hộ và nhiệt liệt hưởng ứng các thông điệp và chủ đề của Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay do Quỹ Dân số Liên hiệp quốc phát động, đó là: “Thành công của Kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”. Thông điệp trên là lời nhắc nhở Chính phủ các nước, các Tổ chức Phi chính phủ, các chuyên gia, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên và trẻ gái vị thành niên phải coi trọng, quan tâm nhiều hơn nữa trong việc vận động thực hiện Kế hoạch hóa gia đình, để việc tiếp cận với Quyền được thực hiện Kế hoạch hóa gia đình đều được thực thi ở tất cả mọi nơi trên thế giới, dù trong một đất nước phát triển hay một đất nước đang phát triển, dù đất liền hay ngoài hải đảo xa xôi.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng về biển, với trên 3.260 km bờ biển, 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, từ bao đời nay, vùng biển, ven biển và hải đảo đã gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất và đời sống của dân tộc Việt Nam. Vùng biển, ven biển và hải đảo có vị trí hết sức quan trọng cả về kinh tế, chính trị và an ninh – quốc phòng, vì thế Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và hải đảo. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020, Đảng ta đã khẳng định phải: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta”.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về biển, đảo và ven biển trong đó có nội dung lĩnh vực Dân số, vào năm 2010, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ký ban hành Quyết định số 3943/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2010 về việc phê duyệt Đề án kiểm soát Dân số các vùng biển, đảo và ven biển tại huyện Cần Giờ giai đoạn 2010-2020 hay còn được biết với tên gọi Đề án 52, nhằm mục tiêu kiểm soát quy mô và chất lượng Dân số các vùng biển, đảo, ven biển và vùng ngập mặn để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược Dân số và Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh; Hưởng ứng sự kiện truyền thông chủ đề “Đồng hành cùng dân số vùng biển, đảo và ven biển” năm 2018.

Các hoạt động hưởng ứng sự kiện truyền thông chủ đề “Đồng hành cùng dân số vùng biển, đảo và ven biển” còn hướng đến việc nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để tập trung phát triển kinh tế biển, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đây cũng là dịp để ngành Y tế – Dân số nhìn lại kết quả thực hiện Đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển” tại huyện Cần Giờ trong giai đoạn 2016-2017. Đề án 52 được triển khai tại 07 xã thuộc huyện Cần Giờ với nhiều hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc Sức khỏe bà mẹ – trẻ em, Kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng Dân số khi sinh, phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ mít-tinh, ông Võ Thành Đông – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế đánh giá cao các thành tựu của ngành Dân số Thành phố và đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường truyền thông để các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và duy trì khoảng cách giữa các lần sinh hợp lý; Chi cục DS-KHHGĐ cần tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố có chính sách khuyến khích sinh con; duy trì tỷ số cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay (107 bé trai/100 bé gái); Thành phố cần có chính sách di cư hợp lý để những người di cư được tiếp cận với các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế; đẩy mạnh, tăng cường khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…

Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố cũng kêu gọi các cấp, ngành và người dân chung tay cùng ngành Dân số thực hiện hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Đặc biệt lưu ý huyện Cần giờ cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các cấp, ngành cho công tác DS-KHHGĐ; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông dân số; có phương pháp, phương thức tư vấn sức khỏe sinh sản phù hợp; chủ động kiểm soát các trường hợp sinh con thứ 3; nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em…

Nhân dịp này, Sở Y tế Thành phố đã tổ chức khen thưởng đối với phường – xã, thị trấn và khu phố – ấp đạt thành tích không có truờng hợp sinh con thứ 3 trở lên năm 2017 và 02 năm liên tục (2016-2017), Khen thưởng các đơn vị cung cấp dịch vụ KHHGĐ đạt và vượt chỉ tiêu năm 2017, tuyên dương 14 gia đình thực hiện tốt chính sách Dân số, sinh hai con một bề là gái học giỏi, thành đạt, hạnh phúc./.

Một số hình ảnh tại Lễ mít-tinh.