Hội thảo tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh

0
53

GiadinhNet – Sáng 27/8, tại khách sạn Thiên Ý (TP Thanh Hóa), Tổng cục Dân số -KHHGĐ phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về tầm quan trọng, lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

Dự hội thảo có ông Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế); đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Dân số; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; các Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh; Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế, Trung tâm DS-KHHGĐ, cán bộ dân số, cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh, các cơ quan báo chí trung ương, tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đã cung cấp thông tin về tầm quan trọng của tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; một số bệnh di truyền, thalassemia (tan máu bẩm sinh)…

Thông qua hội thảo, góp phần giúp những người hoạt động trong lĩnh vực dân số, các cơ quan truyền thông nắm bắt về thực trạng, vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh nói riêng đến các tầng lớp nhân dân, giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước sinh và sơ sinh, tham gia thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số.


Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu, chỉ đạo hội thảo

Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu, chỉ đạo hội thảo


Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa

Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn – Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc khẳng định: “Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, ngành Dân số tập trung nâng cao sức khỏe, thể chất trong nhân dân. Chất lượng dân số mặc dù được cải thiện nhưng nhìn chung còn thấp, đặc biệt thể lực của người Việt Nam còn thấp kém so với các nước trong khu vực; tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi còn cao, trẻ thừa cân, rối loạn tâm lý, tự kỷ, tiểu đường có xu hướng gia tăng, đặc biệt về sức khỏe sinh sản, tai biến sản khoa, mỗi năm có từ 1,5-3% trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh mới sinh…

Từ năm 2000, Ủy ban Dân số – Gia đình -Trẻ em thí điểm việc tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh, sơ sinh và xây dựng thành đề án triển khai ở cấp quốc gia. Đến năm 2013, đề án triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, thành lập thêm Trung tâm khu vực tại Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong bào thai và sơ sinh; giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất, trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.

“Việc triển khai đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh là cách tiếp cận đúng hướng, thiết thực đem lại các kết quả quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng giống nòi”, Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc cho biết thêm

Ngọc Hưng