Hàng chục nghìn phụ nữ nông thôn được tiếp cận thêm các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ

0
65

GiadinhNet – Sau một năm thí điểm tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái và Đắk Lắk, dự án MS Ladies đã phục vụ được hơn 39.000 khách hàng, giúp họ nâng cao khả năng tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Dự án MS Ladies do tổ chức Marie Stopes Việt Nam (MSV) triển khai. Trong khuôn khổ chương trình, các nữ hộ sinh và cộng tác viên dân số sẽ tư vấn và cung cấp các sản phẩm SKSS/KHHGĐ  với giá cả phải chăng cho người dân tại địa phương, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ KHHGĐ, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, đồng thời giúp cải thiện thu nhập cho bản thân cũng như cho gia đình của họ.

Chị Nguyễn Thị Hương là nữ hộ sinh tại Trạm Y tế xã Vũ Bôn, Krông Pắc, Đắk Lắk. Chị đã bắt đầu công việc MS Lady từ tháng 5/ 2017. Nói về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản  và KHHGĐ cho phụ nữ tại xã mình, chị Hương cho biết: “Một bộ phận dân tộc thiểu số vẫn còn khá dè dặt, sống cách biệt, ngại tiếp xúc với những người không cùng dân tộc, đấy là điều khó khăn nhất của chúng tôi khi triển khai”.


MS Lady thảo luận về các biện pháp KHHGĐ khác nhau cho một nhóm phụ nữ tại Thái Nguyên

MS Lady thảo luận về các biện pháp KHHGĐ khác nhau cho một nhóm phụ nữ tại Thái Nguyên

Để tiếp cận các dân tộc thiểu số này, chị Hương phải đi cùng với một người đồng nghiệp có thể nói tiếng địa phương để đi cùng xuống nhà của họ.

Dù nhiều khi chị Hương và đồng nghiệp phải quay lại 4 – 5 lần để thuyết phục một số cặp vợ chồng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ KHHGĐ, nhưng chị nói chị “không hề thấy mệt mỏi” bởi theo nữ cán bộ y tế này, đây không chỉ là công việc mà “là một điều nên làm”.

“Phụ nữ ở đây cũng giống như phụ nữ tất cả các nơi khác. Họ có quyền lựa chọn thời điểm và số con mà họ mong muốn” – chị Hương nói.

Khi được hỏi về một kỷ niệm khó quên, chị Hương chia sẻ: “Tháng trước, tôi nhận được thông tin về một cặp vợ chồng người Êđê, người vợ chỉ mới 32 tuổi nhưng đã có tới… 8 đứa con. Ban đầu khi tôi tìm cách tiếp cận họ để giới thiệu những biện pháp tránh thai, họ luôn từ chối…”.


Các MS Ladies cung cấp các sản phẩm KHHGĐ cho phụ nữ dân tộc tại Yên Bái.

Các MS Ladies cung cấp các sản phẩm KHHGĐ cho phụ nữ dân tộc tại Yên Bái.

Nhưng chị Hương không bỏ cuộc. Tổng cộng, chị quay trở lại gia đình “kỷ lục” đó thêm 4 lần nữa. Cuối cùng, người vợ đã đồng ý để đặt vòng tránh thai.

Khi thực hiện dịch vụ, vì có quá nhiều con và người chồng không thể trông tất cả các con cùng lúc, nên người vợ vẫn phải ôm theo đứa con nhỏ nhất ngồi trên bụng mình trong khi bác sĩ làm thủ thuật đặt vòng” – nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương kể lại.

Tại Thái Nguyên, nhóm dự án tuy không phải đối mặt với những khó khăn trong việc giao tiếp và tiếp cận như tại Đắk Lắk, nhưng lại gặp khó khăn trong việc thuyết phục phụ nữ theo các tôn giáo khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Toàn, nữ hộ sinh tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã tham gia dự án MS Lady hơn một năm. Chị Toàn cho biết, các tôn giáo khác nhau có niềm tin rất khác nhau về tránh thai và hôn nhân.

Phụ nữ trong địa bàn tôi hoạt động có cơ hội được tiếp cận với kiến thức SKSS/KHHGĐ sớm hơn nhờ các dự án được thực hiện trước đây của MSV. Tuy nhiên, một số phụ nữ cho rằng việc tránh thai và phá thai là đi ngược lại với tôn giáo của họ nên quả thực rất khó để có thể thuyết phục nhóm phụ nữ này” – chị Toàn nói.

Không chỉ giúp nâng cao kỹ năng tư vấn và đào tạo thêm kiến thức, dự án còn giúp các MS Lady cải thiện thêm thu nhập hàng tháng một cách đáng kể.

Chị Bùi Thúy Hoàng – MS Lady tại Yên Bái cũng hồ hởi cho biết công việc này đã giúp chị nâng cao kỹ năng giao tiếp, tư vấn, xây dựng mối quan hệ và hiểu khách hàng tốt hơn, đồng thời tăng thêm thu nhập hàng tháng.

Được biết, Dự án MS Ladies sẽ được mở rộng đến hai tỉnh miền núi phía bắc là Sơn La và Lào Cai để hỗ trợ được thêm nhiều phụ nữ hơn nữa trong việc cải thiện SKSS và cung cấp các biện pháp KHHGĐ chất lượng. Dự án được tài trợ bởi chính phủ Úc với mục tiêu đem đến cho các MS Ladies một cơ hội để phát triển công việc và nâng cao vị thế kinh tế của mình.

Q.An