Có con tuổi vị thành niên, thanh niên cha mẹ nên biết sự thật này

0
84

GiadinhNet – Theo các bác sĩ, tình dục là nhu cầu cơ bản của con người. Tuy nhiên, nếu không được trang bị những kiến thức về tình dục an toàn, phương pháp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, rất có thể chúng ta sẽ gặp phải những rủi ro đáng tiếc, nhất là đối với trẻ vị thành niên, thanh niên – lứa tuổi “chuyển giao” từ trẻ con sang thành người lớn.


Cần trang bị cho vị thành niên, thanh niên những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục để phòng tránh rủi ro. Ảnh: TL

Cần trang bị cho vị thành niên, thanh niên những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục để phòng tránh rủi ro. Ảnh: TL

Đa phần có quan hệ tình dục khi học phổ thông

Theo Điều tra Quốc gia về sức khỏe sinh sản và tình dục tại Việt Nam năm 2015 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) thực hiện cho thấy, tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của các đối tượng điều tra là 18,7 tuổi, khá sớm so với sự phát triển hoàn thiện về thể chất, nhất là ở nữ giới.

Cùng với đó, những số liệu nghiên cứu của TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các cộng sự tiến hành tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội cũng chỉ ra rằng, đến hết lớp 9 có khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục; tính đến hết lớp 12 con số tăng lên là 39%.

Bên cạnh đó, trong số học sinh THPT thừa nhận từng có quan hệ tình dục, có đến 29,5% các em nam cho biết không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất; chỉ có 8% các em học sinh nữ nói rằng mình có sử dụng ít nhất một hình thức “phòng tránh thai” nào đó (bao gồm nhiều hình thức không khoa học như uống nước chanh; quan hệ đứng và vệ sinh vùng kín ngay sau khi quan hệ bằng chanh). Đáng chú ý, khoảng 10% học sinh THPT cho biết đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên. Đây là một thực trạng rất đáng báo động về tình trạng quan hệ tình dục quá sớm và thiếu an toàn của phần đa các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên.

Thiếu kiến thức trong việc quan hệ tình dục an toàn cũng như ý thức phòng tránh thai kém đã dẫn đến một loạt những hậu quả đáng tiếc, nhất là đối với nữ giới, ảnh hưởng đến sức khỏe của các em ở hiện tại cũng như những hệ lụy nghiêm trọng về sau. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ mang thai ở vị thành niên tại Việt Nam có giảm đôi chút trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại. Năm 2010, mang thai ở vị thành niên chiếm 3,24%; năm 2012, con số này tăng lên 3,39% và giảm xuống 2,66 % năm 2015.

Theo các bác sỹ Sản khoa, mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi trong bụng. Nếu nạo phá thai dễ dẫn đến nguy cơ thủng dạ con gây vô sinh sau này. Những nghiên cứu của UNFPA cũng cho thấy, các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15-19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Mặt khác, nếu đi đến hôn nhân hoặc sinh con thì bản thân các em gái sẽ mất đi cơ hội học hành, không có công ăn việc làm, thiếu kiến thức chăm con. Bên cạnh đó, em bé sinh ra từ những bà mẹ trẻ này có sức khỏe yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển.

Còn đối với nam giới, theo BS CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, việc xuất tinh sớm và thường xuyên sẽ làm hao hụt đáng kể số lượng và chất lượng tinh trùng. Đồng thời, nam giới càng quan hệ sớm càng dễ bị rối loạn cương dương và suy sinh dục khi trưởng thành. Ngoài ra, quan hệ tình dục sớm còn khiến các bạn trẻ có nguy cơ mắc các bệnh xã hội như viêm niệu đạo, HIV, lậu, sùi mào gà. Trong đó, nhiều bệnh không thể chữa khỏi.

Nên dạy kiến thức sức khỏe sinh sản từ khi còn nhỏ

Hiện nay, mặc dù đã có các chương trình sức khỏe vị thành niên, thanh niên, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong các chương trình, được phản ánh qua kết quả các chỉ số về kiến thức, thực hành sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên. Hơn nữa, vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục đảm bảo chất lượng.

Chẳng hạn, các dịch vụ KHHGĐ hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. Việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về sức khỏe sinh sản chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên.

Vì vậy, để giúp giảm thiểu những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy đến với vị thành niên, thanh niên, bên cạnh việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn, mấu chốt quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức, hiểu biết của vị thành niên, thanh niên về vấn đề sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và vấn đề này cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Chẳng hạn, tại Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và xuất tinh. Tại Trung Quốc và Sri Lanka, giáo dục giới tính truyền thống gồm học về giai đoạn sinh sản. Những chương trình giáo dục giới tính cho học sinh tiêu biểu như “Giáo dục phòng tránh thai” đã được Thụy Điển triển khai từ năm 1942, đưa vào giảng dạy cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên nhằm trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về mang thai và sinh con.

Tại Việt Nam, bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự cởi mở với các con về vấn đề tình dục an toàn – chuyện trước kia vẫn bị coi là “thầm kín”, né tránh. Ví dụ, mẹ có thể nói với con gái, bố nói với con trai để trẻ hiểu về thân thể của mình; dạy trẻ cách tự vệ, từ chối tình dục, giữ gìn thân thể ở mọi hoàn cảnh hoặc học cách thoát hiểm khi người lạ có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà…Tùy theo lứa tuổi mà bố mẹ có phương thức, nội dung hướng dẫn trẻ phù hợp. Đây chính là chìa khóa, là nền tảng giúp con hiểu và chăm sóc sức khỏe sinh sản một cách an toàn.

Đối với nhà trường, bên cạnh các giờ học kiến thức sức khỏe sinh sản trên lớp, nên tổ chức các buổi học ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hành tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cũng như những bệnh lây truyền qua đường tình dục để các em hiểu và biết cách bảo vệ bản thân trong mọi tình huống. Các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản khuyến cáo, tốt nhất không nên quan hệ tình dục trước tuổi 20 đối với nam và trước 18 tuổi đối với nữ để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng dân số

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Vì vậy, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2030, giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cũng được Bộ Y tế xác định là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược Dân số – Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016-2020, đồng thời phối hợp với Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, giới và bình đẳng giới cho vị thành niên, thanh niên…

GaidinhNet – Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) ở nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi cần phải có những nhóm giải pháp đồng bộ và sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành liên quan.

Mai Thùy