Tổng cục Dân số làm việc với WHO về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

0
63

GiadinhNet – Sáng 13/2, lãnh đạo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với đoàn công tác đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, đại diện WHO tại Việt Nam và các chuyên gia trong nhóm hệ thống y tế WHO.

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục, ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng hoan nghênh đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam, đồng thời gửi lời cảm ơn WHO đã luôn tích cực hợp tác, hỗ trợ Tổng cục trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực già hóa dân số  và công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

.

Tổng cục Dân số làm việc với WHO về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Ảnh 1.

Tổng cục Dân số làm việc với đoàn chuyên gia WHO về vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: N.Mai

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một trong những thách thức lớn mà Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo đó, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ trọng nhóm dân số trên 65 tuổi trở lên là 7%. Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, nhóm dân số này là 7,7%. Các nhà nhân khẩu học trong nước và quốc tế đều nhận định rằng, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Người đứng đầu ngành Dân số cho biết thêm, trước những thách thức của vấn đề dân số nói chung và già hóa dân số nói riêng, năm 2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Tổng cục Dân số làm việc với WHO về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Ảnh 2.

Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho biết, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Ảnh: N.Mai

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, giao các bộ, ngành xây dựng các Đề án để cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết 21.

Trong đó, Bộ Y tế, trực tiếp là Tổng cục Dân số đang khẩn trương hoàn thiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt.

Nội dung Đề án tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đặt ra mục tiêu tăng tuổi thọ, nhất là tuổi thọ khỏe mạnh; thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi ít nhất 1 lần/năm tại các tuyến xã/phường; mở rộng hệ thống lão khoa.

Bên cạnh đó, tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng (đào tạo đội ngũ cộng tác viên dân số trở thành những người chăm sóc người cao tuổi); khuyến khích người cao tuổi tham gia làm việc nếu có khả năng và nhu cầu; khuyến khích doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi…

Tổng cục Dân số làm việc với WHO về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - Ảnh 3.

Các chuyên gia đến từ WHO đánh giá cao những hướng đi của Việt Nam về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số. Ảnh: N.Mai

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, trong quá trình xây dựng các đề án nói chung và Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng, Tổng cục cũng gặp nhiều khó khăn nhất định. Đó là hiểu biết của người dân về già hóa dân số cũng như việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa thật sự toàn diện, cần sự hỗ trợ, đào tạo của WHO, nhất là những chuyên gia đến từ các nước đã có kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Bên cạnh đó, kinh phí Trung ương để xây dựng, hoàn thiện và đưa Đề án đi vào thực tiễn cuộc sống cũng eo hẹp, hạn chế việc mở rộng đối tượng tiếp cận của Đề án. Mặt khác, hiện nay, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế hầu như không còn.

Chính vì vậy, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh: “Với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nếu không có sự đầu tư thỏa đáng, Đề án sẽ nằm trên giấy, khó đi vào thực tiễn”.

Trên cơ sở những thách thức trên, tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng cục Dân số mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WHO cả về tinh thần lẫn vật chất trong công tác dân số nói chung cũng như việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số nói riêng.

Theo đó, Tổng cục hy vọng WHO sẽ hỗ trợ về kỹ thuật trong việc cử chuyên gia tham gia xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; hỗ trợ kinh phí thử nghiệm xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng tại một vài phường/xã phù hợp.

Đặc biệt, mong muốn WHO sẽ có những hỗ trợ ngành Dân số Việt Nam trong việc đào tạo, tập huấn để những cộng tác viên dân số có thể trở thành nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.

Tại buổi làm việc, ông Hiromassa Okayasu – Điều phối viên về y tế và già hóa (WHO khu vực Tây Thái Bình Dương) cho biết, trong công tác chăm sóc người cao tuổi có 2 nội dung cốt lõi là: Dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Theo đó, ông đánh giá cao những hướng đi của Tổng cục Dân số trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và rất sẵn lòng làm việc với Việt Nam để hoàn thiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 cũng như ứng phó với quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam.

Mai Thùy