Tổ chức bộ máy làm công tác dân số tại địa phương: Ổn định để hoàn thành các mục tiêu chiến lược

0
56

GiadinhNet – Để đảm bảo thống nhất và ổn định hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo và củng cố, kiện toàn, ổn định bộ máy làm công tác dân số ở địa phương để hoàn thành tốt các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra.

Thách thức lớn đối với công tác dân số

Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), hiện nay công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, thách thức hiện hữu nhất đang tác động trực tiếp tới công tác dân số là hệ thống bộ máy tổ chức bị xáo trộn khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế đa chức năng. Việc thay đổi tổ chức bộ máy không chỉ tại tuyến huyện, cá biệt một số tỉnh, thành phố còn xây dựng đề án giải thể Chi cục DS-KHHGĐ để chuyển thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế, có tỉnh thì không còn nhân sự, không tài khoản, không tiền và chuyển hết về Sở Y tế. Những điều này đã tạo ra những xung động rất lớn về tâm tư tình cảm, ý thức, thái độ và trách nhiệm trong công việc của đội ngũ những người làm công tác dân số cả nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở.

Đề cập thêm về bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, nhiều chuyên gia nhận định, những năm vừa qua Việt Nam đã có quá nhiều sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức dân số. Chúng ta đã xử lý bộ máy tổ chức dân số một cách cơ học. Cấp huyện trở xuống đang bị thu hẹp và nảy sinh gây nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác dân số. “Bộ máy dân số của chúng ta “nhập – tách, nhập – tách” rất nhiều. Tôi gọi đó là không ổn định”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã từng chia sẻ như vậy khi đề cập đến tổ chức bộ máy làm dân số hiện nay.

Cũng rất trăn trở về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú cho rằng, với tổ chức bộ máy và nhân lực hiện tại, khó có thể đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra. “Không có một bộ máy tổ chức tốt, chúng ta không thể quản lý, điều hành được công việc, công việc không thể thông suốt từ Trung ương cho tới địa phương”, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.

Theo đó, mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay được coi là một thách thức lớn đối với công tác dân số. Chính vì vậy, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nhất là ở cấp quận huyện và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.

Ông Nguyễn Doãn Tú nói: “Hay nói cách khác, để công tác dân số phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, tổ chức bộ máy làm dân số phải được ổn định. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng, ổn định là có biên chế hay tăng biên chế, mà ổn định ở chỗ, giảm biên chế nhưng chất lượng cán bộ dân số của chúng ta tốt lên. Bộ máy phải được củng cố chứ không thu hẹp. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực cho công tác dân số tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra”.

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số tại địa phương: Ổn định để hoàn thành các mục tiêu chiến lược - Ảnh 1.

Cán bộ dân số trong một buổi truyền thông nhóm. Ảnh minh họa: Thiết Trang

Cần củng cố, kiện toàn, ổn định bộ máy tổ chức

Trên cơ sở từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác dân số tuyến tỉnh, huyện, tuyến xã trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký Công văn số 2822/BYT-TCDS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ.

Theo đó, để đảm bảo thống nhất và ổn định hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo và củng cố, kiện toàn, ổn định bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương để hoàn thành tốt các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra.

Cụ thể, tại tuyến tỉnh, giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ tại công văn số 5954/BNV-TCBC ngày 05/12/2018 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lại.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền tuyển dụng đủ số lượng công chức đã được giao để làm việc tại Chi cục DS-KHHGĐ theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế và đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải đảm bảo tinh giản biên chế theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh/thành phố bảo đảm việc tổ chức, triển khai các hoạt động; vận hành, chuyển nhận dữ liệu, khai thác kho dữ liệu điện tử DS-KHHGĐ cấp tỉnh, cấp huyện an toàn và bảo mật, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tại tuyến huyện, đối với những tỉnh đã sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ với Trung tâm Y tế cần thành lập Khoa/Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm DS-KHHGĐ; nhiệm vụ của Khoa/Phòng Dân số thực hiện theo công văn số 4480/BYT-TCDS ngày 3/8/2018 của Bộ Y tế; giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ để triển khai thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, truyền thông giáo dục về công tác dân số trên địa bàn huyện; tiếp nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ sơ sở dữ liệu theo quy định để bảo đảm việc vận hành, khai thác kho dữ liệu điện tử DS-KHHGĐ cấp huyện an toàn và bảo mật.

Cùng với đó, chỉ đạo Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế cần bố trí đủ (06) định biên theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế và đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời phải đảm bảo tinh giản biên chế theo quy định.

Còn tại tuyến xã, đối với viên chức/chuyên trách dân số xã, giao cho Trạm Y tế thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Những tỉnh/thành phố đã tuyển dụng viên chức/chuyên trách dân số xã, giao cho Trạm Y tế quản lý.

Những tỉnh/thành phố chưa tuyển dụng được viên chức/chuyên trách dân số xã thì chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyển dụng hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Nhiệm vụ của viên chức/chuyên trách dân số xã thực hiện theo công văn số 4480/BYT-TCDS ngày 3/8/2018 của Bộ Y tế.

Đối với cộng tác viên dân số thôn, bản, tổ dân phố, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục bố trí chức danh cộng tác viên dân số ở thôn, bản, tổ dân phố phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đồng thời ban hành các chính sách mới về công tác dân số, trong đó có chế độ khuyến khích (thù lao) đối với cộng tác viên dân số để khuyến khích, động viên họ hoàn thành nhiệm vụ.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Dân số, ngày 31/3/2020 Tổng cục Dân số nhận được công văn số 83/CCDS-TCHC ngày 23/3/2020 của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Thuận báo cáo về việc Dự thảo Đề án giải thể Chi cục DS-KHHGĐ của tỉnh, theo đó tỉnh Bình Thuận dự kiến chuyển chức năng quản lý nhà nước về Sở Y tế để thành lập Phòng DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế kể từ ngày 01/6/2020.

Bên cạnh đó, Sơn La và Kiên Giang là 2 tỉnh mà Chi cục DS-KHHGĐ có con dấu nhưng không có tài khoản để hoạt động. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động cũng như các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Tại tuyến huyện, hiện có 55 tỉnh đã sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế; 6 tỉnh đã và đang xây dựng đề án cũng như quyết định sáp nhập các Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế (dự kiến năm 2020 sẽ triển khai sáp nhập); TPHCM và Phú Thọ là 2 tỉnh chưa có chủ trương sáp nhập.

Mai Thùy