Ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số: Tiếng nói từ cơ sở

0
117

GiadinhNet – Vài năm trở lại đây, vấn đề tổ chức bộ máy luôn khiến các nhà quản lý và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số băn khoăn, trăn trở. Cần nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, đó là vấn đề rất cấp thiết hiện nay.

Ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số: Tiếng nói từ cơ sở - Ảnh 1.

Cần sớm ổn định tổ chức bộ máy để công tác dân số đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: TL

Bộ máy xáo trộn…

Tại Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2020 do Tổng cục Dân số – KHHGĐ vừa tổ chức, chia sẻ về thực trạng mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số của địa phương mình, BS Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân số của tỉnh Lạng Sơn hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về số lượng, chất lượng cán bộ chuyên trách và đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số.

Việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGÐ tuyến huyện vào Trung tâm Y tế đa chức năng đã gây nên tư tưởng dao động, không yên tâm trong quá trình công tác của không ít cán bộ dân số tuyến quận, huyện.

Bên cạnh đó, mặc dù số lượng viên chức dân số tuyến huyện kê khai là đủ nhưng do đặc thù của việc khoán tự chủ của Trung tâm Y tế đa chức năng nên những viên chức có chuyên môn y – dược thì phải kiêm nhiệm công tác khám, chữa bệnh, số còn lại kiêm nhiệm công tác hành chính – tổ chức, thậm chí kiêm luôn văn thư – tạp vụ, không có nhiều thời gian, tâm trí và sức lực cho các hoạt động dân số ở cơ sở.

Đồng thời, ở tuyến xã những cán bộ dân số có chuyên môn y – dược cố gắng có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh để tham gia công tác khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế và tham gia hoạt động tư nhân. Những cán bộ còn lại thì kiêm nhiệm công tác văn phòng của Trạm Y tế, không dành nhiều thời gian thực hiện công tác dân số ở tuyến thôn, bản.

Với đội ngũ cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, BS Bằng cho hay, sau khi thực hiện khoán chi cho 6 định biên tuyến thôn, bản (tháng 4/2020) thì hầu hết cộng tác viên không còn mặn mà với công tác dân số. “Để khắc phục tình trạng này, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu cho UBND tỉnh quy định nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số. Nhưng vấn đề này vẫn chưa thể ổn định được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đại đa số cộng tác viên dân số – những người góp phần quan trọng vào sự thành công của công tác dân số hiện nay”, BS Bằng cho hay.

Cũng trăn trở về bộ máy tổ chức làm công tác dân số, BS Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nghệ An cho biết: Thực tế vài năm trở lại đây, mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số bị xáo trộn, thiếu đồng bộ giữa các địa phương đã được đề cập rất nhiều tại các diễn đàn, hội thảo, hội nghị về công tác dân số. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là vấn đề băn khoăn của đại đa số những người làm công tác dân số.

Theo BS Nguyễn Bá Tân, sau khi thực hiện sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế đa chức năng huyện, đến thời điểm hiện tại, bộ máy làm công tác dân số đã quá tinh gọn rồi, cần được giữ nguyên, không thể tiến hành tinh gọn hơn được nữa. Theo đó, ở Trung ương có Tổng cục DS-KHHGĐ; tuyến tỉnh có Chi cục DS-KHHGĐ; tuyến huyện là Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế đa chức năng huyện. Trung tâm Y tế cần phân công một Phó Giám đốc phụ trách công tác dân số. Đối với tuyến xã, giữ vững viên chức, chuyên trách dân số ở xã và ở thôn, bản có hệ thống cộng tác viên dân số…

Những kiến nghị

Ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số: Tiếng nói từ cơ sở - Ảnh 2.

Viên chức, chuyên trách dân số cấp xã phải được giữ vững.

Để bộ máy làm công tác dân số sớm được ổn định, theo BS Nguyễn Quang Bằng (Chi cục DS-KHHGĐ Lạng Sơn) trong thời gian tới, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển Trung ương để có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, quy định rõ trong quy chế làm việc của các thành viên Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tuyến dưới thực hiện nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới theo như tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

Cùng với đó, sớm thay thế Thông tư 05 của Bộ Y tế năm 2008 về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương cho phù hợp với tình hình tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân số hiện nay, nhất là vấn đề quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, với tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực thiếu hụt như hiện nay, khó có thể đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới, tổ chức bộ máy làm công tác dân số cần phải được nhanh chóng kiện toàn ổn định.

Đề cập về mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số dự kiến trong thời gian tới, ông Lê Văn Hợi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dân số) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế – đầu mối là Tổng cục Dân số xây dựng Đề án để hoàn thiện mô hình, tổ chức bộ máy làm công tác dân số. Hiện Tổng cục đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển ở các cấp.

Theo nội dung dự thảo Đề án này, ở Trung ương, phương án kiến nghị trước mắt là đổi tên Tổng cục DS-KHHGĐ thành Tổng cục Dân số và Phát triển; Thành lập Ủy ban Quốc gia về Dân số và Phát triển là cơ quan hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm. Phương án lâu dài là thành lập Ủy ban Quốc gia về Dân số và Phát triển là cơ quan chuyên trách ngang Bộ.

Tương tự, ở cấp tỉnh, đổi tên Chi cục DS-KHHGĐ thành Chi cục Dân số và Phát triển và đổi tên Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ tỉnh, thành Ban chỉ đạo/Ủy ban Dân số và Phát triển cấp tỉnh (kiêm nhiệm). Sau đó, kiện toàn Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ tỉnh, thành Ủy ban Dân số và Phát triển cấp tỉnh (chuyên trách).

Với cấp huyện, trước mắt, kiện toàn Phòng/Khoa Dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện đa chức năng; đổi tên Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ huyện thành Ban chỉ đạo Dân số và Phát triển cấp huyện (kiêm nhiệm). Về lâu dài, cần thành lập Phòng Dân số và Phát triển thuộc UBND cấp huyện.

Còn ở cấp xã, kiện toàn đội ngũ cán bộ dân số xã gồm một cán bộ thuộc Trạm Y tế xã là cán bộ chuyên trách dân số. Sau này, hướng đến đưa cán bộ chuyên trách dân số xã trực thuộc UBND xã. Riêng với mạng lưới cộng tác viên, Đề án thí điểm và mở rộng mạng lưới công tác viên Dân số, Gia đình và Trẻ em.

“Việc ổn định tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đội ngũ thực hiện công tác dân số từ tỉnh đến thôn bản là việc làm hết sức quan trọng, quyết định thành bại của tất cả các chương trình nói chung, đặc biệt là công tác dân số nói riêng vì có đặc thù là mang tính xã hội rất cao”, BS Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

 Mai Thùy