Những bài học kinh nghiệm trong công tác Truyền thông – Giáo dục về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở TP.HCM

0
118

GiadinhNet – Một trong những thành công nổi bật của ngành Dân số Thành phố Hồ Chí Minh là việc kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

 Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh tại Thành phố có xu hướng tăng trong năm 2010 với 108,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, Thành phố đã đạt thành công trong công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính được duy trì ở mức 106 đến 107 trẻ nam/100 trẻ nữ.
Những bài học kinh nghiệm trong công tác Truyền thông - Giáo dục về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở TP.HCM - Ảnh 1.

Theo ông Phạm Chánh Trung – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, đây là kết quả của quá trình thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác truyền thông vận động và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Cùng đó, nhận thức của người dân Thành phố đối với vấn đề bình đẳng giới khá tích cực. Có thể nói, một trong những nguyên nhân cơ bản góp phần vào thành tựu trên chính là các Cấp Ủy Đảng, Chính quyền, các Ban ngành, Đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở luôn nhận thức việc đầu tư cho các hoạt động Truyền thông – Giáo dục là mũi nhọn, là nhân tố quan trọng để thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố.

Những bài học kinh nghiệm trong công tác Truyền thông - Giáo dục về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở TP.HCM - Ảnh 2.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt thành công trong công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Truyền thông – Giáo dục về mất cân cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn Thành phố vẫn còn những thách thức và hạn chế.

Cụ thể là, Thành phố đã đạt được thành công trong công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính được duy trì ở mức 106 đến 107 trẻ nam/100 trẻ nữ trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, trước xu hướng sinh ít con của các cặp vợ chồng, đồng thời quan điểm Á Đông “phải có con trai” vẫn hiện diện trong tư tưởng gia đình, nếu không duy trì các giải pháp can thiệp chủ động thì tỷ số giới tính khi sinh của Thành phố vẫn có thể tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nội dung và hình thức phối hợp chưa được phong phú, đa dạng, chưa quảng bá rộng rãi các nội dung truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh trên các trang mạng xã hội để thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Ngoài ra, kinh phí truyền thông hàng năm đều bị cắt giảm. Mặc dù thành phố đã cố gắng huy động thêm kinh phí địa phương và vận động đối tác tài trợ, nhưng việc triển khai các hoạt động truyền thông về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa tương xứng với quy mô Dân số Thành phố.

Cũng theo ông Phạm Chánh Trung, từ những kết quả trên, ngành Dân số Thành phố Hồ Chí Minh rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác Truyền thông – Giáo dục về mất cân cân bằng giới tính khi sinh. Cụ thể là bài học về sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các sở ban ngành đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng. Các hoạt động truyền thông vận động và huy động cộng đồng luôn phải có sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc và hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp.

Song song đó là bài học về huy động nguồn lực xã hội hóa và vận dụng cách làm mới. Các hoạt động Truyền thông – Giáo dục về mất cân cân bằng giới tính khi sinh không nên rập khuôn mà cần được triển khai sao cho phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh có những đặc thù riêng nên cần phải vận dụng những cách làm mới, để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Kim Vân