Giải pháp nào để “kích cầu” phụ nữ vượt “lười” sinh con ở vùng có mức sinh thấp?

0
122

GiadinhNet – Nếu bây giờ 1 đứa trẻ được 6 người chăm sóc (ông bà nội ngoại, bố mẹ) thì sau này khi trưởng thành, khả năng đứa trẻ đó sẽ phải chăm sóc ngược trở lại 6 người, đó có thể coi là gánh nặng lớn.

 Người dân Đông Nam bộ “lười” sinh con

Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã bảo vệ thành công thành quả duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2 – 2,1 con/phụ nữ độ tuổi sinh đẻ từ 15 – 49 tuổi). Tuy nhiên, nước ta cũng đối mặt mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, xu hướng sinh rất ít con đã xuất hiện tại các đô thị; trong khi đó một số nơi, kinh tế – xã hội khó khăn hơn thì có mức sinh cao, thậm chí trên 2,5 con/phụ nữ độ tuổi sinh đẻ.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, hiện còn 4 trên 6 vùng có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (Trung du và miền núi phía Bắc (2,43); Đồng bằng sông Hồng (3,35); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2.32); Tây Nguyên (2,43). Hai vùng thấp hơn mức sinh thay thế (Đông Nam Bộ (1,56), Đồng bằng sông Cửu Long (1,8). Hai vùng vẫn duy trì ở mức thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Giải pháp nào để kích cầu phụ nữ vượt lười sinh con ở vùng có mức sinh thấp? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Theo thống kê, Tiền Giang thuộc nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp, nghĩa là dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mức sinh hay tổng tỷ suất sinh qua các năm của tỉnh này thống kê qua tổng điều tra dân số trong 6 năm từ 2014 -2019 là: 1,75 con/phụ nữ – 1,62 con – 2,0 con – 1,99 – 1,68 – 1,82.

Địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước là TP HCM. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số – KHHGĐ TP HCM, cho biết từ năm 2015-2019, mức sinh của Thành phố là: 1,45 con/phụ nữ – 1,24 – 1,36  -1,33 – 1,35. Nguyên nhân giảm sinh là do áp lực nghề nghiệp, thu nhập, học tập, thăng tiến, nhà ở, y tế, giáo dục, thời gian…

Lãnh đạo Chi cục Dân số – KHHGĐ TP HCM cũng chỉ ra thách thức nếu mức sinh thấp kéo dài, trước hết sẽ làm sụt giảm nguồn nhân lực, lực lượng lao động, dẫn đến thành phố đông dân nhất cả nước này thiếu hụt nhân lực phát triển kinh tế. Ngoài ra, nếu người dân không sinh hoặc sinh 1 con sẽ mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng và hậu quả khó lường.

Bà Mỹ Lệ cũng chỉ ra thực tế trong tương lai rằng nếu như bây giờ 1 đứa trẻ được 6 người chăm sóc (ông bà nội ngoại, ba mẹ) thì sau này khả năng đứa trẻ sẽ phải chăm sóc 6 người, đó là gánh nặng lớn.

Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – KHHGĐ cho rằng, theo kết quả điều tra mới nhất, tuổi kết hôn lần đầu của các cặp vợ chồng ở Việt Nam có xu hướng muộn hơn, nữ trung bình 23 tuổi, nam trung bình 27 tuổi. Ở TP HCM, các gia đình có số con trung bình chỉ 1,2 – 1,4 con nên cần khuyến khích sinh đủ.

Nhiều chính sách khuyến sinh tại vùng có mức sinh thấp

Lãnh đạo Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh Tiền Giang cho hay đối với địa phương có mức sinh thấp không thể thực hiện chính sách khuyến khích sinh ít con (như ở các địa phương có mức sinh cao).

Với Chi cục Dân số – KHHGĐ TP HCM, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND TP kế hoạch hành động thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh tại TP đến năm 2030, cố gắng nâng mức sinh 1,6 con/bà mẹ; đồng thời đề xuất các chính sách để nâng mức sinh tại Thành phố. Cụ thể:

Để khuyến sinh, cần bỏ ngay chính sách giảm sinh; từng bước ban hành, thực hiện các chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện cho bố mẹ sinh đủ 2 con; khuyến khích các bạn trẻ kết hôn sớm. Khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.

Xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình. Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Cụ thể là, hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn. Tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.

Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sỹ gia đình…

Cùng đó, cần hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con được tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; Tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; Miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình.

Những giải pháp trên sẽ góp phần giúp cho tổng tỷ suất sinh chuyển dịch về mức sinh thay thế, nhằm cân đối cơ cấu dân số, bảo đảm lực lượng lao động liên tục, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 28/4/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), đánh giá chính sách này là cơ hội rất tốt để trong tương lai 10 – 15 năm nữa, Việt Nam sẽ có một thế hệ mới, một lực lượng “dân số vàng” tiếp theo để đáp ứng công cuộc phát triển đất nước.

Còn với bà Trịnh Thu Nga, Phó viện trưởng Viện Khoa học – Lao động (Bộ LĐ-TB-XH), khuyến khích sinh đủ 2 con sẽ giúp Việt Nam cân bằng mức sinh giữa các tỉnh, TP trên toàn quốc, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, đồng thời kéo dài giai đoạn cơ cấu dân số vàng, cũng như ứng phó thực trạng và xu hướng già hóa dân số nhanh trong tương lai ở Việt Nam.

T.Nguyên (t/h)