Hai mô hình hiệu quả giúp người cao tuổi sống vui, sống khoẻ

0
190

GiadinhNet – Để người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích, ngoài việc chăm sóc sức khỏe thì rất cần tạo lập không gian, thiết chế dành cho những hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí của người cao tuổi.

 Xã hội hóa chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Được xếp vào nhóm 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, dự kiến năm 2030, Việt Nam sẽ có số người cao tuổi chiếm 17% dân số cả nước, đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%, nghĩa là cứ 4 người lại có 1 người cao tuổi.

Chỉ số già hóa nhanh đang và sẽ tạo áp lực lớn trong việc ban hành và thực thi những chính sách liên quan, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế là khoảng 96% trên tổng số người cao tuổi. Điều này minh chứng rằng Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi.

Mặc dù tốc độ già hóa dân số gia tăng nhưng khả năng cung cấp dịch vụ y tế nói riêng và các dịch vụ khác cho người cao tuổi ở Việt Nam còn hạn chế. Riêng với chăm sóc sức khoẻ, nhiều dẫn chứng cho thấy chúng ta thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi…

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi nhấn mạnh: Trong tổng số trên 11 triệu người cao tuổi hiện nay vẫn còn có bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già; một bộ phận người cao tuổi vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống; một số người già chưa được tư vấn chăm sóc sức khỏe, chưa được người thân quan tâm.

Bà Hải Chuyền cho biết, hiện nay đã có những mô hình chăm sóc người cao tuổi thông qua công tác xã hội hóa nhưng chưa nhiều; vẫn còn những rào cản cho việc ra đời và hoạt động của các trung tâm chăm sóc người cao tuổi do cá nhân, tổ chức thành lập. Trong khi đó, theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân), để thích ứng với già hóa dân số, cần phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, có cơ chế phối hợp công – tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội. Đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội.

Những mô hình hay

Một trong những hoạt động được đánh giá cao, đó là việc triển khai mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau do Trung ương Hội Người cao tuổi phát động.

Hai mô hình hiệu quả giúp người cao tuổi sống vui, sống khoẻ - Ảnh 1.

CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Mùn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đang vận động hũ gạo tình thương của CLB

Đây là một tổ chức dựa vào cộng đồng, tập hợp từ 50-70 người cao tuổi, có mục tiêu liên kết các thành viên nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng dân cư trong việc hỗ trợ người cao tuổi khó khăn, giúp họ cải thiện cuộc sống của bản thân, gia đình, tăng cường thu nhập, bảo đảm sức khỏe và phát triển cộng đồng.

Tính đến hết tháng 7/2020, đã có 58/63 tỉnh, thành triển khai mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, thành lập được gần 3.000 câu lạc bộ. Các câu lạc bộ này hoạt động khá hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc trợ giúp và phát huy vai trò người cao tuổi ở Việt Nam.

Đây không chỉ là mô hình người cao tuổi giúp nhau trong phát triển kinh tế, mà còn là một cách thức giúp người cao tuổi nâng cao đời sống tinh thần, đoàn kết, sống vui, sống khỏe, trở thành tấm gương, động lực cho con cháu noi theo…

Một mô hình hiệu quả khác hiện được triển khai trên toàn quốc là Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Theo đánh giá, mô hình này khá phù hợp với văn hóa của người Việt. Không những ít tốn kém, dễ thực hiện mà mô hình này còn giúp phát huy nét đẹp văn hóa, xem trọng tình cảm gia đình, kính trọng và báo hiếu ông bà cha mẹ của người Việt.

Mô hình này có 2 hình thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đó là: Chăm sóc hay phục vụ tại nhà do nhân viên dịch vụ thực hiện và chăm sóc hay hỗ trợ tại nhà do tình nguyện viên thực hiện.

Cả hai hình thức trên các thành viên trong gia đình được hỗ trợ tốt nhất trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong nhà. Đặc biệt với hình thức thứ 2, các tình nguyện viên nhận chăm sóc hỗ trợ tại nhà hoàn toàn tự nguyện không hưởng lương mang đến nhiều hiệu quả tích cực cho mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng này. Sự hỗ trợ đến từ các tình nguyện viên mang đến niềm vui, tinh thần vui vẻ lạc quan hơn cho các cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh neo đơn kinh tế khó khăn, gia đình ít người.

Tuy nhiên, trên thực tế số lượng người già được giúp đỡ còn khá ít trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày một tăng. Có nhiều nguyên nhân khiến khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện rất thấp. Có thể kể đến như điều kiện địa lý, trình độ nhận thức, cách tiếp cận của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, đặc biệt là xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi…. Hạn chế khả năng tiếp cận khiến người cao tuổi không được hưởng các chế độ hỗ trợ toàn diện cho mình.

Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Người cao tuổi đã thành lập 76.200 câu lạc bộ ở các loại hình, tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho người cao tuổi; trong đó có hàng nghìn câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút 70.000 người cao tuổi tham gia.

T.Nguyên