Nâng cao chất lượng dân số để tận dụng tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”

0
124

GiadinhNet – Tầm vóc, thể lực Việt Nam vẫn còn hạn chế so với các nước trên thế giới và trong khu vực, khiến chúng ta chưa tận dụng được hết lợi thế của thời kỳ “dân số vàng”.

Theo Tiến sĩ Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế : Nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của nước ta. Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, bao gồm cả trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp – xã hội, tính năng động, mức sống, tình trạng sức khỏe và có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia và được coi là “chìa khóa vàng” để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.

Tập trung nâng cao chất lượng dân số để tận dụng tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng” - Ảnh 1.

“Chúng ta tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là khai thác lao động giá rẻ và lao động giản đơn, chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp” – TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Bộ Y tế nhận định. Ảnh Chí Cường.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, đứng vị trí thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ người dân tiếp tục tăng (đạt trung bình khoảng 73,5 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người); tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay chất lượng dân số còn hạn chế, chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân là 73,5 tuổi, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp, chỉ đạt 64 tuổi.

Rõ ràng những tồn tại này khiến chất lượng nguồn nhân lực “vàng” bị ảnh hưởng. Nếu chất lượng dân số còn hạn chế, đặc biệt những người “trong độ tuổi lao động” bị ốm đau, bệnh tật, thương tật thì khả năng lao động bị hạn chế hoặc mất hoàn toàn.

Vì vậy, nâng cao chất lượng dân số, tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung và những người “trong độ tuổi lao động” nói riêng là yêu cầu cơ bản nhằm tận dụng cơ hội cơ cấu “dân số vàng”.

Nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của nước ta. Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số, bao gồm cả trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp – xã hội, tính năng động, mức sống, tình trạng sức khỏe và có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia và được coi là “chìa khóa vàng” để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.

Tập trung nâng cao chất lượng dân số để tận dụng tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng” - Ảnh 2.

Việt Nam sẽ đạt được nhiều dư lợi dân số nếu chất lượng nguồn lao động được cải thiện. Ảnh: Chí Cường.

Cơ cấu “dân số vàng” mới chỉ mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là đã đem lại ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tận dụng tối đa lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động.

Tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân: Thực hiện tốt giải pháp này sẽ nâng cao tỷ lệ những người “trong độ tuổi lao động” có khả năng làm việc vì những người “trong độ tuổi lao động” nhưng ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, thương tật thì khả năng lao động bị hạn chế hoặc mất hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, thương tật của người ngoài độ tuổi lao động như trẻ em và người cao tuổi cũng ảnh hưởng khả năng làm việc của người trong độ tuổi lao động vì phải nghỉ việc để chăm sóc. Vì vậy, tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung và những người “trong độ tuổi lao động” nói riêng là yêu cầu trước tiên, yêu cầu cơ bản nhằm tận dụng cơ hội cơ cấu “dân số vàng”.

Tạo đủ việc làm cho người “có khả năng làm việc”. Nếu những người “có khả năng làm việc” lại thiếu việc làm hoặc thất nghiệp thì cơ hội “dân số vàng” bị bỏ lỡ; đất nước chậm, thậm chí không thể phát triển. Vì vậy, cần tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên tăng năng suất lao động.

Có chính sách xuất khẩu lao động đảm bảo tạo việc làm và thu nhập cho người lao động một cách bền vững. Mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động. Tạo điều kiện tiếp cận cơ hội đào tạo nghề cho phụ nữ. Thúc đẩy dịch chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động; hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của nền sản xuất xã hội; cải tiến quản lý; khuyến khích mọi người làm việc có năng suất và thu nhập cao. Nói về vấn đề này,  TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Bộ Y tế nhận định: “Chúng ta tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là khai thác lao động giá rẻ và lao động giản đơn, chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp”.

Để giải quyết bài toán trên, giải pháp vừa cấp bách vừa lâu dài là chúng ta cần xây dựng một xã hội học tập tích cực, đào tạo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Cần tập trung đào tạo lao động có trọng điểm, chú ý đến lợi thế vùng miền. Dân số trong độ tuổi lao động phải được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Pháp lệnh Dân số cũng đã đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng dân số bao gồm:

1) Bảo đảm quyền cơ bản của con người; quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng về thể chất, trí tuệ, tinh thần; hỗ trợ nâng cao những chỉ số cơ bản về chiều cao, cân nặng, sức bền; tăng tuổi thọ bình quân; nâng cao trình độ học vấn và tăng thu nhập bình quân đầu người;

2) Tuyên truyền, tư vấn và giúp đỡ nhân dân hiểu và chủ động, tự nguyện thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số;

3) Đa dạng hoá các loại hình cung cấp hàng hoá và dịch vụ công cộng, đặc biệt về giáo dục, y tế để cải thiện chất lượng sống và nâng cao chất lượng dân số;

4) Thực hiện chính sách và biện pháp hỗ trợ đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để nâng cao chất lượng dân số.

Cương Huyền