Giảm chết mẹ nhờ tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai

0
75

GiadinhNet – Phụ nữ Morocco ngày càng trở nên an toàn hơn khi làm mẹ. Tỷ số chết mẹ trong thời kỳ mang thai hoặc sinh con ở quốc gia này đã giảm đi đáng kể.

Cùng với đó là tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đã tăng lên ở cả nông thôn và thành thị. Tỷ lệ này cao hơn hẳn so với các quốc gia Ả Rập trong khu vực. Điều đó cũng có nghĩa là nhu cầu KHHGĐ chưa được đáp ứng của phụ nữ đã giảm xuống.
 

Chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ tại tỉnh Essaouira, Morocco. Ảnh: communication-expert

Phụ nữ ngày càng an toàn hơn khi làm mẹ
 
“Giảm tỷ số chết mẹ có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng”, bà Farzaneh Roudi-Fahimi – Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi thuộc Văn phòng Tham khảo Dân số (Population Reference Bureau) – nhấn mạnh.
 
Bà cũng cho biết “Khi một phụ nữ mong muốn một quy mô gia đình nhỏ và sử dụng hiệu quả các biện pháp tránh thai thì số lần mang thai sẽ ít hơn và điều đó cũng làm giảm mức độ rủi ro về bệnh tật, tử vong bà mẹ do phải mang thai và sinh nở”. Tỷ số chết mẹ ở Morocco đã giảm tới 60% qua hai thập kỷ từ 1990-2009. Nếu như tỷ số chết mẹ năm 1990 của Morocco là 332/100 000 trẻ sinh ra sống thì năm 2009 còn 112/100 000 trẻ sinh ra sống. Tỷ số này thấp hơn rất nhiều tỷ số chết mẹ của Bắc Phi (270/100 000) nói riêng hay của châu Phi nói chung (590/100 000). “Nhu cầu kế hoạch hóa gia đình ở Morocco đã tăng mạnh trong hơn thập kỷ qua” – Bà Roudi-Fahimi nói. Tỷ lệ phụ nữ 15-49 muốn trì hoãn hoặc tránh mang thai đã tăng từ 60% năm 2004 lên 80% năm 2011.
 
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Morocco sẽ là một trong số ít ỏi các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới đạt được mục tiêu thứ 5-Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (giảm tỷ số chết mẹ 75% trong giai đoạn 1990-2015). Để đạt được đích quan trọng đó, làm mẹ an toàn luôn là mục tiêu hàng đầu của Morocco và quốc gia này đã đầu tư vào chiến lược giảm tỷ số chết mẹ bằng việc tăng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, mở rộng và cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, đảm bảo việc tiếp cận và cung cấp dịch vụ sản khoa.
 

Nguồn: Điều tra của PAPFAM, 2011

Cam kết của Chính phủ về kế hoạch hóa gia đình

Chính phủ Morocco có thể đáp ứng một phần lớn nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai đang tăng thông qua việc tập trung vào dịch vụ kế hoạch gia đình cho các cặp vợ chồng. Chính phủ cũng tập trung nỗ lực vào việc cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại cho phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn- những người chưa thể sử dụng được các dịch vụ tư.

Kết quả điều tra của dự án Sức khỏe Gia đình Pan Arab (PAPFAM) năm 2011 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 36% năm 1992 lên 57% năm 2011. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp truyền thống cũng tăng từ 6% năm 1992 lên khoảng 16% năm 2011. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của phụ nữ 15-49 có chồng đã tăng từ 32% năm 1992 lên 55% năm 2011. “Sự gia tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là tín hiệu quan trọng. Nó phản ánh những tiến bộ trong các mặt của đời sống phụ nữ như tỷ lệ nhập học của trẻ em gái, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ trẻ tăng lên” – Roudi nói. Theo số liệu của UN (2009), trong khi tỷ lệ biết chữ của phụ nữ Morocco (từ 15 tuổi trở lên) là 44% thì ở nhóm tuổi 15-24, tỷ lệ này là 72%.
 
Nhờ kế hoạch hóa gia đình được thực hiện một cách rộng rãi, quy mô gia đình giảm xuống nhanh chóng tại Morocco. Cũng theo điều tra của PAPFAM năm 2011 thì số con trung bình của một phụ nữ Marocco đã giảm mạnh từ 5,6 con năm 1980 xuống còn 2,6 con năm 2011, đặc biệt là tại vùng nông thôn đã giảm từ 6,6 con năm 1980 xuống còn 3,2 con năm 2011.
 
Góp phần thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo
 
Kết quả cuộc điều tra gần đây cũng nhấn mạnh sự tiến bộ mà Morocco đã đạt được trong việc thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo, trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Sự khác biệt về quy mô gia đình giữa các nhóm dân giàu-trung bình- nghèo cũng được thu hẹp trong giai đoạn 1992-2011 (xem bảng). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của phụ nữ 15-49 có chồng ở nhóm dân số nghèo cũng tăng từ 18% năm 1992 lên 55% năm 2011 và không khác mấy so với tỷ lệ này ở nhóm dân số giàu. Trong thập kỷ qua, nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng của phụ nữ thuộc nhóm dân số nghèo cũng giảm xuống một nửa.

Một số chỉ báo về mức sinh và SKSS phân theo tình trạng kinh tế Morocco 1992-2011

 

Nguồn: M. Azelmat, M. Ayad, and E.A. Housni, Demographic and Health Survey: Morocco 1992 Final Report (1993); PAPFAM, 2011

Điều tra PAPFAM 2011 cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ trong thời kỳ mang thai, sinh con và điều đó đã làm tăng cơ hội sống sót đối với bà mẹ và trẻ em. Những thay đổi này một phần là nhờ chính sách tăng cường đào tạo nữ hộ sinh và loại bỏ các rào cản ngăn cách phụ nữ nông thôn tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai và sinh con, bao gồm cả việc cải thiện hệ thống giao thông. Nếu như năm 1992 chỉ có 75% phụ nữ ở nhóm dân giàu nhất được chăm sóc trước sinh thì đến năm 2011 hầu như tất cả (97%) phụ nữ nhóm đó được chăm sóc trước sinh và ở nhóm phụ nữ nghèo nhất là 50%.

Việc sinh nở tại nhà đã giảm xuống cùng với đó là các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ đã được mở rộng và cải thiện. Bộ Y tế Morocco đã xây dựng mạng lưới “chờ đợi tại nhà” (waiting home) tại các vùng xa xôi để các bà mẹ có thể ở lại trong 2 tuần với các thành viên trong gia đình trước khi họ đến được các cơ sở chăm sóc y tế gần nhất. Trong giai đoạn 1992-2011, tỷ lệ sinh nở tại nhà đã giảm từ 95% xuống còn 61% ở nhóm phụ nữ nghèo và từ 73% xuống còn 14% ở nhóm phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế trung bình.

Cải thiện và mở rộng dịch vụ

Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ nhưng chương trình chăm sóc sức khoẻ kế hoạch hoá gia đình của Morocco vẫn cần được cải thiện. “Kế hoạch hoá gia đình ở Morocco vẫn được biết đến với một biện pháp chủ công là thuốc viên” – Roudi-Fahimi nhận xét.
 
Điều tra PAPFAM 2011 cho thấy 72% phụ nữ đang sử dụng các biện kế hoạch hoá gia đình là thuốc viên và 16% là phương pháp truyền thống. Điều tra cũng cho thấy hầu như các cặp vợ chồng Morocco không sử dụng biện pháp triệt sản hay bao cao su. “Chương trình kế hoạch hoá gia đình ở Morocco cần phải được tăng cường hơn nữa các dịch vụ bao gồm cả việc tăng tính lựa chọn biện pháp tránh thai trong đó có bao cao su vừa có tác dụng tránh thai và phòng chống HIV” – Roudi-Fahimi nói.
 
Lương Quang Đảng

(Theo Paola Scommegna/Population Reference Bureau)