Nữ hộ sinh Việt Nam giành Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc Quốc tế

0
62

GiadinhNet – Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng của Việt Nam vừa nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc Quốc tế cho những nỗ lực của bà trong hơn 30 năm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại vùng núi khó khăn.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc Quốc tế. Ảnh: BTC
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc Quốc tế. Ảnh: BTC

Tôn vinh sự cống hiến của cán bộ hộ sinh

Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc Quốc tế do Hội đồng Cán bộ hộ sinh Quốc tế (COINN) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) thực hiện nhằm tôn vinh và khuyến khích nỗ lực của cán bộ hộ sinh tại các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Giải thưởng này ghi nhận sự cam kết và cống hiến của cán bộ hộ sinh làm việc trong những điều kiện khó khăn, đặc biệt tại các nước có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và bà mẹ cao.

Năm nay, Giải thưởng được trao cho nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng của Việt Nam (hiện công tác tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) và cán bộ hộ sinh Adeyemo Abass Kola của Nigeria. Bà Hồng và ông Kola được lựa chọn từ nhiều ứng viên của 14 quốc gia. Bà Hồng đã nhận giải thưởng vào ngày 15/8 tại Vancouver (Canada), trong khuôn khổ Hội nghị Cán bộ hộ sinh Quốc tế 2016.

Bà Carole Kenner, Tổng Giám đốc Hội đồng Cán bộ hộ sinh Quốc tế cho biết: “Với niềm đam mê công việc của mình, bà Hồng và ông Kola đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Nếu các cán bộ hộ sinh được hỗ trợ, đào tạo tốt hơn và được cung cấp các loại thiết bị tốt hơn, chúng ta có thể giúp cho nhiều trẻ sơ sinh có cơ hội sống và có một khởi đầu khỏe mạnh hơn, dù sinh ra ở đâu”.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp trường đạo tạo, bà Hồng bắt đầu làm việc tại huyện Trạm Tấu, một trong 62 huyện khó khăn nhất cả nước. Công việc hàng ngày của bà gồm: Chăm sóc các bà mẹ mới sinh và trẻ sơ sinh, tư vấn cho bà mẹ mang thai, truyền thông và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Những nỗ lực của bà Hồng trong suốt 34 năm qua đã đóng góp to lớn cho chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương.

Tất cả vì sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Bà Hồng đã rất nỗ lực để vượt qua những khó khăn về đi lại, bất đồng ngôn ngữ, điều kiện kinh tế hạn chế tại địa phương và thiết bị y tế thiếu thốn để chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn. Bà từng đến ở cùng các gia đình người Mông để học tiếng Mông và dành nhiều thời gian nói chuyện với họ để xây dựng niềm tin của họ đối với cán bộ y tế, cũng như nâng cao hiểu biết của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 2,7 triệu trẻ em tử vong trong tháng đầu đời. Trên 98% những trường hợp này xảy ra tại các nước thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình tại châu Á và vùng cận Sahara. Phần lớn những ca tử vong này có thể ngăn chặn, song kết quả phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng và sự tận tâm của những cán bộ y tế trực tiếp chăm trẻ.

Tại Việt Nam, chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh đã cải thiện đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giữa các vùng miền và giữa các nhóm dân tộc có sự chênh lệch đáng kể. Năm 2014, tỷ lệ tử vong của nhóm trẻ dưới 1 tháng tuổi trong cộng đồng dân tộc thiểu số cao gấp hơn 3 lần so với tỷ lệ tử vong ở trẻ em người Kinh cùng nhóm tuổi, theo báo cáo Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2014.

Việt Nam thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ

Tỷ lệ tử vong của các bà mẹ khi sinh trên toàn thế giới đã giảm từ 385 trên 100.000 ca vào năm 1990 xuống còn 216 trên 100.000 ca vào năm 2015 được các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một bước tiến đáng kể của thế giới trong 1/4 thế kỷ qua. Theo báo cáo mới được công bố trên Tạp chí Y học the Lancet mới đây, 99% các ca tử vong trong và sau khi sinh xảy ra ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ khi sinh trong năm 2015 tại các nước phát triển là 12 trên 100.000 ca, trong khi tỷ lệ này ở các nước vùng hạ Sahara là 546 trên 100.000 ca.

Theo báo cáo, tại các nước đang phát triển, phần đông phụ nữ tử vong trong và sau khi sinh do nguyên nhân chảy máu quá nhiều, hay còn gọi là băng huyết, huyết áp cao và viêm nhiễm. Các chuyên gia chia sẻ: “So với các nước phát triển, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ khi sinh tại các nước đang phát triển cao hơn vì những hạn chế trong việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS chuyên môn. Ở những nước có thu nhập cao, phụ nữ mang thai được khám định kỳ ít nhất 4 lần trong quá trình mang thai và được chăm sóc sau khi sinh. Nhưng ở các nước thu nhập thấp, chỉ có 40% những phụ nữ mang thai có được chăm sóc y tế tiền sinh sản. Nguyên nhân, phần lớn là do nghèo khó, quãng đường từ nhà đến cơ sở y tế quá xa, thiếu thông tin, thiếu dịch vụ chăm sóc y tế và cuối cùng là do văn hóa, tập tục ở địa phương.

Vào năm 2014, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới đang trong đúng lộ trình thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi.

P.Vĩnh

Hà Anh