‘Bóng tử thần’ trong trầm cảm sau sinh

0
64

Là thiên chức nhưng sinh nở là việc không dễ dàng đối với phụ nữ. Nhiều trường hợp bị trầm cảm sau sinh, trong đó, em bé là người dễ bị làm tổn hại nhất và sản phụ cũng tự làm hại mình, khiến người khác giật mình.

Chỉ muốn hại mình, hại con

Chị H.M.N (28 tuổi) được mẹ ruột đưa đi khám bệnh sau khi con gái đưa con cho mẹ ẵm đã la lên: “Mẹ không ẵm nó là con quăng nó xuống sông đó”.

Sau khi sinh con 3 tháng, chị N. rơi vào tình trạng trầm cảm nghiêm trọng. Chị mất ngủ suốt một thời gian dài và luôn mệt mỏi. Trong quá trình khám, bác sĩ phát hiện chị có một thái độ thù địch với đứa con mới sinh của mình.

Chị kể, khi thấy con khóc, chị rất khó chịu, thậm chí là muốn lấy gối đè lên mặt con để con không khóc nữa. Tâm sự với bác sĩ tâm thần, chị N. bật khóc thú nhận chị đã có ý định quăng đứa con xuống sông khi đang đi qua cầu. Trong một tíc tắc, chị sợ quá đã đẩy vội đứa con mới 3 tháng tuổi vào tay mẹ và nói với mẹ ẵm giùm đứa bé.

“Bệnh nhân tuy có ý định nhưng cũng may là còn khả năng phán đoán trong một tíc tắc nào đó. May là lúc đó, chị N. đang đi chung với mẹ ruột mình. Lúc đó nếu không có bà mẹ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, bác sĩ chuyên khoa 2 Tâm thần Huỳnh Thanh Hiển nói.

Với trường hợp này, bên cạnh trị liệu tâm lý, bác sĩ khuyên mẹ ruột cô gái nên luôn ở cạnh con và cháu, không để người mẹ ở một mình cùng con. Sau một năm điều trị, chị N. đã ổn định tâm lý và dần yêu thương con trở lại.

Trong khi đó, chị N.B.M đến khám bác sĩ vì cứ luôn có ý định quẩn quanh là “ôm con nhảy từ tầng cao chung cư xuống”. Chị nói điều này với chồng. Người chồng hốt hoảng gọi điện thoại ngay cho mẹ vợ và xin nghỉ phép để ở nhà chăm sóc vợ.

Sau đó, anh làm luôn hàng rào bao quanh hết lan can.

Một nữ hộ sinh tại một bệnh viện phụ sản lớn của TP.HCM kể chị đã từng hốt hoảng khi đến phòng để tắm cho em bé thì thấy một sản phụ ôm con ra đứng ngay hành lang đầu đăm đăm cúi nhìn xuống. Chị vội ôm lấy hai mẹ con sản phụ và hét lớn gọi người chồng, kéo sản phụ vào phòng. Sau lần đó, gia đình luôn phải có người ở bên cạnh sản phụ và em bé. Các bác sĩ cũng hỗ trợ sản phụ trong việc “cởi trói” những vấn đề tâm lý, trầm cảm của chị. Sản phụ thú thật chị đã định leo qua lan can nhảy xuống vì cảm thấy đau đớn, bế tắc.

“May mắn là người Việt có văn hóa rất hay là người phụ nữ khi sinh thường về nhà mẹ ruột. Tuy nhiên, cũng không ít cặp vợ chồng vẫn sống chung với gia đình chồng. Nếu nhà chồng và người chồng hiểu, thông cảm, thương yêu người vợ thì không sao. Nhưng nếu gia đình người chồng và chồng không hiểu sẽ tạo áp lực cho người phụ nữ sau sinh. Nói chung, người chồng phải khéo léo, chia sẻ với vợ ở giai đoạn nhạy cảm này”, Bác sĩ chuyên khoa 2 Tâm thần Huỳnh Thanh Hiển.

Những rối loạn tâm thần sau sinh

Bác sĩ chuyên khoa 2 Tâm thần Huỳnh Thanh Hiển cho biết ông điều trị khá nhiều trường hợp trầm cảm trong đó nhiều người bị trầm cảm sau sinh. Bên cạnh đó, rất nhiều phụ nữ có con nay đã lớn đến khám và kể lại từng đối mặt với những trải nghiệm kinh hoàng trong thời gian bị trầm cảm. Họ đều thú nhận là có hành vi “xéo xắc” đứa bé và cũng từng có ý định bóp cổ hay lấy gối đè chết con mình.

Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM): Trường hợp người mẹ bị trầm cảm sau sinh thì đứa con dễ bị làm tổn hại nhất và sản phụ cũng có ý nghĩ tự hại mình.

Theo bác sĩ Hiển, có nhiều báo cáo về trầm sau sinh. Thường trầm cảm sau sinh chiếm tỉ lệ 8-15%, tùy theo tác giả và thống kê tại các quốc gia khác nhau. Đa số các trường hợp có thể tự vượt qua, chỉ có một số ít cần phải điều trị. Nếu có ý tưởng làm hại đứa bé hoặc tự tử (tự tử cả hai mẹ con) thì là trường hợp rất nghiêm trọng.

“Triệu chứng các trường hợp trầm cảm sau sinh rất đa dạng từ tâm lý và thái độ thù địch với đứa con đến bạo hành trẻ và có ý tưởng muốn giết đứa trẻ. Tuy nhiên, những trường hợp sát hại đứa trẻ thì khá hạn hữu nhưng đã xảy ra thì rất đáng tiếc”, bác sĩ Hiển nhìn nhận.

Thường bệnh nhân phải được điều trị sáu tháng đến một năm mới ổn định.

Bác sĩ là người quyết định sau khi cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích vì có thể đứa trẻ sẽ không được bú sữa mẹ. Trong trường hợp trẻ có nguy cơ bị ngược đãi thì bắt buộc người mẹ phải điều trị. Phải luôn có người thứ ba theo sát, chăm sóc cả hai mẹ con, không để người mẹ một mình với trẻ. Trường hợp nghiêm trọng thì cần cách ly tạm thời mẹ và em bé.

“May mắn là người Việt có văn hóa rất hay là người phụ nữ khi sinh thường về nhà mẹ ruột. Tuy nhiên, cũng không ít cặp vợ chồng vẫn sống chung với gia đình chồng. Nếu nhà chồng và người chồng hiểu, thông cảm, thương yêu người vợ thì không sao. Nhưng nếu gia đình người chồng và chồng không hiểu sẽ tạo áp lực cho người phụ nữ sau sinh. Nói chung, người chồng phải khéo léo, chia sẻ với vợ ở giai đoạn nhạy cảm này”, bác sĩ Hiển khuyên.

Theo bác sĩ Hiển: Người chồng cần quan tâm nhiều đến vợ trong giai đoạn sau sinh, chăm con. Các anh nên từ chối tất cả các cuộc vui, đừng về nhà trong trạng thái say xỉn vì sẽ làm người vợ bị tổn thương nhiều với một tâm trạng cô đơn.

Theo Thanh niên Online