Giả thuyết nào giải thích hiện tượng dương tính trở lại sau khi đã hồi phục hoàn toàn ở người nhiễm COVID-19

0
47

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC), tính đến ngày 17/04/2020 đã có 163 người nhiễm COVID-19 dương tính trở lại với SARS-CoV-2 sau khi đã hồi phục hoàn toàn, con số này tăng gần gấp đôi nếu so với 1 tuần trước đó và chiếm tỉ lệ hơn 2% trên tổng số người nhiễm COVID-19. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho hiện tượng này.

Hàn Quốc đã chứng kiến trường hợp đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi đã được công bố chữa khỏi vào ngày 09/02/2020. Hiện nay, một hiện tượng đáng lo ngại đang diễn ra tại quốc gia này khi càng có nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang trong giai đoạn hồi phục lại tái phát với xét nghiệm dương tính trở lại với SARS-CoV-2.

Hiện tượng này đặt ra những câu hỏi và mối quan tâm mới cho các nhà khoa học và cơ quan quản lý y tế sau khi nước này đã làm phẳng trở lại đường cong biểu diễn về số ca mắc. Nếu như ngày 10/04/2020, tổng cộng có 91 bệnh nhân đã hồi phục có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại, thì đến ngày 17/04/2020 Hàn Quốc xác định có đến 163 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi đã hồi phục hoàn toàn. Nếu tính trên tổng số 7.829 bệnh nhân đã hồi phục thì số trường hợp dương tính trở lại tại Hàn Quốc chiếm trên 2%. Cũng theo dữ liệu của KCDC, độ tuổi và sự phân bố các trường hợp tái phát phần lớn phù hợp với tổng số ca nhiễm.

Tổng giám đốc KCDC Jeong Eun-Kyeong cho biết các cơ quan y tế tại Hàn Quốc đang tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học và lâm sàng để tìm hiểu xem những người có kết quả dương tính trở lại với vi-rút SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trở lại hay không. Thử nghiệm liên quan đến việc nuôi cấy và phân lập vi-rút có thể mất khoảng hai tuần mới cho ra kết quả. Mặc dù phân tích đầy đủ sẽ mất ít nhất vài tuần, những phát hiện ban đầu cho thấy có thể có nhiều hơn một nguyên nhân.

Giả thuyết được nhiều chuyên gia dịch tễ học tại Hàn Quốc ủng hộ đó là hiện tượng kích hoạt lại các vi-rút còn sót lại trong hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Nếu một bệnh nhân không phát triển đầy đủ khả năng miễn dịch chống lại vi-rút hoặc nếu hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị suy yếu sau khi phục hồi, mức độ tập trung vi-rút không thể phát hiện trước đó có thể được phục hồi; hoặc nCoV có thể có khả năng ở trạng thái không hoạt động trước khi được kích hoạt lại.

Giả thuyết tái nhiễm thông qua sự lây lan mầm bệnh từ một người khác đang mang vi-rút là một kịch bản ít có khả năng xảy ra, vì hầu hết bệnh nhân dương tính lại không lâu sau khi họ được điều trị. Tại Hàn Quốc, các trường hợp tái phát được phát hiện trung bình 13,5 ngày sau khi phục hồi, khoảng thời gian dài nhất được báo cáo là 35 ngày.

Một giả thuyết khác là các xét nghiệm đang chọn các hạt vi-rút chết không còn lây nhiễm hoặc lây truyền. Tổng giám đốc KCDC cho biết các vi-rút thu thập được từ sáu trường hợp tái phát không thể nuôi cấy được trong sự cô lập, biểu thị rằng chúng đã chết, tuy nhiên, một số bệnh nhân tái phát có kèm triệu chứng, mặc dù là triệu chứng nhẹ.

Ngoài ra, cũng không loại trừ hẳn giả thuyết do xét nghiệm sai, tuy khả năng này rất hiếm khi xảy ra.

(Tổng hợp thông tin từ các bài viết “91 recovered COVID-19 patients test positive again: KCDC” – KOREAHERALD.COM và “In South Korea, A Growing Number Of COVID-19 Patients Test Positive After Recovery”- NPR.ORG).

SỞ Y TẾ TP.HCM