Khai trương mạng xã hội đầu tiên và dành riêng cho ngành Y tế

0
50

GiadinhNet – Tại Hội nghị Chuyển đổi số Y tế Quốc gia 2020 đã chính thức khai trương hai nền tảng quan trọng của ngành Y tế: Mạng kết nối Y tế Việt Nam và Hồ sơ sức khỏe cá nhân.

 Đây là hai nền tảng được Bộ Y tế phối hợp xây dựng và triển khai, khẳng định quyết tâm trong việc ứng dụng CNTT, tăng cường trao đổi, kết nối các cán bộ trong ngành và giúp người dân chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân.

Mạng kết nối y tế Việt Nam là mạng xã hội đầu tiên và dành riêng cho ngành y tế; hướng đến mục tiêu tăng cường kết nối, chia sẻ, hỗ trợ hoạt động đào tạo chuyên môn của hơn 500 nghìn cán bộ y tế trên toàn quốc. Nền tảng còn giúp ngành y tế quản lý nguồn nhân lực theo xu hướng mới; theo dõi bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phân bổ và chất lượng nhân sự của toàn ngành; từ đó, đưa ra các quyết định kịp thời, hỗ trợ bổ sung nhân lực, tổ chức đào tạo; nâng cao trình độ chuyên môn…

Khai trương mạng xã hội đầu tiên và dành riêng cho ngành Y tế - Ảnh 1.

Khai trương hai nền tảng quan trọng của ngành Y tế gồm Mạng kết nối Y tế Việt Nam và Hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Mạng kết nối y tế sẽ tích hợp toàn bộ thông tin liên quan đến bệnh án, đơn thuốc, hình ảnh, xét nghiệm… để các cán bộ y tế có thể chia sẻ, đào tạo và hỗ trợ chuyên môn. Mục tiêu đặt ra là 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 nhân viên y tế tuyến huyện và 2 nhân viên y tế tuyến xã; hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn.

Nền tảng Hồ sơ sức khỏe cá nhân được xây dựng với mục tiêu thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân trên một nền tảng, chăm sóc sức khỏe người dân trọn đời, từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra và mất đi. Toàn bộ dữ liệu sức khỏe của người dân được liên kết từ các cơ sở khám chữa bệnh và BHXH Việt Nam, từ đó hình thành và xây dựng cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh toàn dân.

Hiện nay Hồ sơ sức khỏe cá nhân đã có 98 triệu hồ sơ được lập, với 42 mẫu bệnh án điều trị ngoại trú, áp dụng cho toàn bộ tuyến xã, huyện. Đây chính là lõi của Hệ sinh thái Y tế thông minh, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong công tác điều hành, giúp Sở Y tế các tỉnh/Thành phố quản lý toàn diện các chương trình sức khỏe y tế trên địa bàn; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Thông qua Hồ sơ sức khỏe cá nhân, mỗi người dân sẽ được quản lý thông tin sức khỏe tập trung theo Mã định danh y tế duy nhất. Khi đến khám bệnh tại bất kì cơ sở y tế nào, người dân không cần mang theo sổ khám bệnh và có thể chủ động cập nhật các chỉ số sức khỏe từ các thiết bị y tế cá nhân (huyết áp, nhịp tim…). Hệ thống sẽ trở thành một trợ lý sức khỏe thông minh khi chủ động cảnh báo các thông tin về sức khỏe cho mỗi người dân.

Mạng kết nối y tế Việt Nam và Hồ sơ sức khỏe cá nhân đều được ứng dụng các công nghệ mới như: AI, Big Data trong xử lý dữ liệu, công nghệ bảo mật 4 lớp giúp xác thực danh tính người dùng và bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu. Đặc biệt cả 2 Nền tảng đều được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud), nên có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi; hỗ trợ liên lạc, hội chẩn trong mọi tình huống.

Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đến tháng 7/2021, tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc đều áp dụng hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân và không sử dụng giấy trong khám, chữa bệnh, điều trị ngoại trú; hướng đến nền y tế không giấy tờ. Hệ sinh thái các Nền tảng và giải pháp y tế số thông minh sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế; hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, người dân tiếp cận dịch vụ y tế tiện ích hơn, thuận lợi hơn và chất lượng hơn.

Ngoài ra, trong chương trình này, Bộ Y tế cũng chính thức khai trương Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20. Ứng dụng V20 sẽ tạo ra thay đổi toàn diện cho khoảng 11.000 trạm y tế trên khắp cả nước. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước đây, cán bộ trạm y tế tốn 50-70% thời gian để viết, báo cáo dữ liệu giấy, có nơi quản lý 78 cuốn sổ, nơi ít là 35 cuốn, giờ sẽ sử dụng duy nhất một phần mềm. Từ tháng 1/2021 sẽ bắt đầu áp dụng trên toàn quốc.

Võ Thu