Thích ứng với già hóa dân số cần chủ động chuẩn bị ngay từ bây giờ

0
57

GiadinhNet – PGS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, già hóa dân số vừa là cơ hội vừa là thách thức. Ngay từ bây giờ nếu chuẩn bị tốt sẽ tận dụng được các lợi thế của già hóa.

 Theo như Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và năm 2019 cho thấy, dân số cả nước tăng 11 triệu thì đồng thời số người già cũng tăng gần 4 triệu.

Có thể thấy mức tăng của người cao tuổi  rất mạnh. Hiện tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số. Theo Liên Hợp Quốc, chúng ta đã chính thức bước vào thời kì già hóa dân số. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, Việt Nam sẽ bước vào thời kì dân số “siêu già” trong một vài thập kỷ nữa.

Nhiều người cho rằng, già hóa dân số là gánh nặng. Tuy nhiên, PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Chính sách công và Quản lý (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, già hóa dân số vừa là cơ hội vừa là thách thức với nước ta trong thời gian tới khi nhiều người cao tuổi hơn.

Thích ứng với già hóa dân số cần chủ động chuẩn bị ngay từ bây giờ - Ảnh 2.

Người cao tuổi cần được nâng cao sức khỏe ngay từ khi còn trẻ. Ảnh KT

Giải thích về điều này, PGS Giang Thanh Long cho rằng, nói đến người già cần phải nhấn mạnh người già đấy ở thời điểm nào. Như hiện nay, người cao tuổi là những người sinh vào những năm 1950 – 1960 không có điều kiện về kinh tế, chăm sóc y tế nên không thể nào có thu nhập, sức khỏe tốt. Còn nếu nói ở thời kỳ dân số rất già (dự báo vào năm 2054), người già ở thời điểm đó là những người sinh năm 90 – 2000. Khi đó, người già sẽ khác với người già bây giờ.

“Điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, dân số cao tuổi cũng sẽ khác nhau. Bởi vậy, nếu chúng ta có tầm nhìn dài, chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ cho dân số già sẽ tận dụng được cơ hội. Bước vào tuổi già, người cao tuổi vẫn còn chủ động, có thể tạo ra nguồn thu nhập từ chính lao động của mình thì đương nhiên không chỉ có sức khỏe thể chất mà còn có độc lập nhất định về mặt kinh tế trong xã hội.

Người già khi đó có sức khỏe, thu nhập tốt có thể quay trở lại đóng góp cho nền kinh tế, xã hội, cộng đồng. Thay vì bước vào tuổi già nhưng nằm liệt, sống lâu mà không khỏe lại trở thành gánh nặng không chỉ cho bản thân, gia đình mà xã hội. Như ở Nhật Bản, nhiều người ở độ tuổi 80 hiện vẫn lái xe hay tham gia các hoạt động xã hội… bởi họ có thu nhập tốt, có hệ thống bảo hiểm hỗ trợ khám chữa bệnh nên duy trì sức khỏe tốt” – PGS.TS Long cho hay.

PGS.TS Giang Thanh Long cho biết, thách thức và cơ hội song hành trong quá trình già hóa dân số nên cần phải có những chính sách chiến lược phù hợp để thích ứng. Làm sao có thể tạo điều kiện, chăm sóc cho người cao tuổi có sức khỏe tốt, đồng thời có tinh thần tốt là điều quan trọng.

Việt Nam có thể học ngay ở các nước đang phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… . Những nước đã sớm nhận ra những thách thức và từ nhiều năm nay đã chủ động xây dựng các chính sách thích ứng với dân số già.

Chẳng hạn như năm 1989, Nhật Bản ra một chính sách 80 – 20, nghĩa là khi sống đến 80 tuổi cần giữ được 20 răng tốt. Khi còn 2/3 hàm răng khỏe mạnh thì người đó sẽ nhai tốt, tiêu hóa tốt dẫn tới không mắc nhiều bệnh về tiêu hóa. Răng miệng tốt cũng giúp người già khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần khi chủ động giao tiếp. Năm đó, Nhật Bản thống kê chỉ có 7% người cao tuổi trên 80 ở Nhật Bản là có 20 răng tốt. Nhật Bản đã quyết tâm tăng tốc độ lên và tới năm 2019 khi kỉ niệm 30 năm chính sách này đã có trên 55% người trên 80 tuổi của Nhật có 20 răng tốt. Điều này chứng minh rằng họ cải thiện rất tốt sức khỏe của người cao tuổi. Dân số của Nhật sống thọ, khỏe mạnh, ít bệnh tật.

Ngoài ra, ngay từ những năm 1950, Nhật Bản đã đưa bảo hiểm y tế trong chăm sóc dài hạn người cao tuổi. Chăm sóc không chỉ về y tế mà còn về tinh thần, thúc đẩy người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội để tránh các vấn đề như bệnh trầm cảm, sa sút trí tuệ…

Để thích ứng tốt và tận dụng được lợi thế của già hóa dân số, ngay từ bây giờ với dân số trẻ buộc phải cải thiện các vấn đề liên quan như trình độ học vấn để có công ăn việc làm tốt hơn, chuẩn bị tốt vấn đề liên quan đến sức khỏe để khi bước vào già hóa, họ có nguồn kinh tế, sức khỏe để quay trở lại đóng góp cho chính bản thân họ, cho gia đình, xã hội.

Thứ 2, hệ thống y tế đã thích ứng khi có chương trình quản lý các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch. Điều này giúp giảm gánh nặng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Theo PGS Giang Thanh Long, các nhà chức trách cũng cần xây dựng chính sách để các cặp vợ chồng yên tâm sinh con và nuôi con. Bởi hiện nhiều gia đình, nhất là ở các đô thị lớn có xu hướng sinh ít con do chi phí nuôi con rất tốn kém, gồm giáo dục, y tế, nhà ở, nghỉ ngơi, vui chơi… Việc thiết kế chính sách giảm chi phí nuôi con là cách để khuyến khích sinh con.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Phương Thuận