Ngăn ngừa mất cân bằng giới tính khi sinh: Việt Nam đang đi đúng hướng

0
164

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế về mất cân bằng giới tính khi sinh với chủ đề “Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai” do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức trong hai ngày 5 – 6/10. Hội thảo có sự tham gia của 11 nước có sự tương đồng về tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh như: Trung Quốc, Ấn Độ, Albania, Nepal, Armenia, Azerbaijan, Pakistan, Bangladesh…

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.

Do tâm lý thích con trai cùng khả năng tiếp cận với các kỹ thuật và công nghệ mới có khả năng lựa chọn giới tính ngày càng dễ dàng đã khiến các nước tham dự hội thảo này phải đối mặt với nhiều thách thức bởi sự mất cân bằng trong cấu trúc dân số. Tính từ thời điểm thập kỷ 80 của thế kỷ trước, vấn đề này đã nảy sinh ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc… và hiện nay có mặt ở nhiều nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Eamonn Murphy – Quyền điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, song thực tế cho thấy thách thức này thật sự lớn và tỉ số này ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
 
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã xảy ra ở 5/6 vùng kinh tế xã hội và 45/63 tỉnh, thành phố. Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ mất cân bằng cao nhất, trung bình là 115 trẻ sơ sinh nam trên 100 trẻ sơ sinh nữ. Trong đó, các tỉnh cao nhất là Hưng Yên trên 130/100, Hải Dương 120/100, Bắc Ninh 119/100, Hải Phòng 115/100…
 
Tuy xảy ra muộn hơn các nước nhưng tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam có đặc điểm khác các nước khác là cao ngay ở lần sinh thứ nhất (110,2/100) – trong khi các nước khác chỉ cao ở những lần sinh tiếp theo.
 
Ở lần sinh thứ hai tỉ số này là 109/100 và tăng cao ở lần thứ ba 115,5/100. Theo số liệu thu thập được từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2009, tỉ số này đặc biệt cao ở những gia đình có kinh tế khá giả và có trình độ học vấn cao. Các chuyên gia dự báo, nếu không có giải pháp quyết liệt trong khoảng 15 – 20 năm nữa, sẽ có khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới Việt Nam không có khả năng lấy được vợ là người Việt Nam. Hệ lụy của vấn đề này sẽ làm phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng thêm tình trạng bạo lực giới và tình trạng mãi dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái…
 

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ 11 quốc gia đã chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp để cùng nhau đề ra những chính sách cụ thể cho từng quốc gia trong nỗ lực ngăn ngừa sự mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh. Đại diện các quốc gia có tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao đều cho rằng, việc ngăn ngừa, kiểm soát sự gia tăng của tình trạng này sẽ giúp cho các nước không phải tiếp tục đối mặt với những hệ lụy của nó, tránh tác động xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia.

Ông Murphy đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ban hành các chính sách, các văn bản pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ông khẳng định Liên Hợp Quốc hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực nhằm kiểm soát khuynh hướng gia tăng hiện nay và tin tưởng rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng. Ông cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông thay đổi hành vi toàn diện hơn thông qua sự vào cuộc của báo chí, xã hội dân sự, đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng liên quan khác.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp đồng bộ và đột phá, tập trung giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh một cách quyết liệt và có trọng điểm.
 
Theo Phó Thủ tướng, việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế bởi điều này có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với sự phát triển bền vững.
 
Do đó, việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tại 10 địa phương có tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất.
 
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức trọng nam, khinh nữ còn tồn tại trong một bộ phận người dân.