Hậu dân số vàng Việt Nam: Già trước khi giàu

0
106

PGS.TS Đặng Nguyên Anh – Phó ban Quốc tế, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Mặc dù chưa cao như các nước khác trong khu vực và châu lục (Trung Quốc, Thái Lan), song tuổi thọ bình quân của dân số nước ta tiếp tục được nâng lên từ 68 tuổi (năm 2000) đến 71,3 tuổi (năm 2005). Tỉ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), theo Điều tra DS – KHHGĐ năm 2007 đã lên tới 9,45% nghĩa là “sát ngưỡng” “dân số già” (theo quy định của Liên Hợp Quốc là 10%).

 Khoảng 20 năm nữa, tỉ lệ người già sẽ tăng lên nhanh chóng. Kết quả này dẫn đến sự thay đổi chưa từng có trong đời sống xã hội, trước hết là sức ép lên hệ thống dịch vụ sức khỏe, giao thông đi lại, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống, cũng như hệ thống dịch vụ sức khỏe, chăm sóc và an sinh xã hội cho dân số già sẽ là một thách thức đối với nước ta.
 

Sẽ có nhiều loại hình chăm sóc người cao tuổi trong thời gian tới (ảnh minh họa). Ảnh: C.H.

Đáng lưu ý: Do mức sinh cao trong quá khứ nên số người cao tuổi sẽ có quy mô rất lớn. Nói cách khác, dân số Việt Nam sẽ “già trước khi giàu”, nguồn lực kinh tế – xã hội có thể không cho phép gánh chịu và đáp ứng tốt nhu cầu cần thiết của một dân số già hóa. Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào và chuẩn bị ra sao trước xu hướng già hóa dân cư? Làm thế nào để huy động sử dụng được nguồn lực của “dân số già” cho sự phát triển đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính bản thân và gia đình họ?

Phát triển an sinh xã hội cho người già

Hiện nay, số lượng người cao tuổi ở Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo thống kê điều tra dân số năm 1999, có khoảng 6 triệu người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 8% dân số. Dự tính đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 18%.

Trên 70% dân số Việt Nam hiện đang sống ở nông thôn, trong đó, người già sống tập trung ở nông thôn bó hẹp trong phạm vi làng xã. Thời trẻ, họ sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, có sức khỏe thì có thu nhập, nhưng thu nhập ít ỏi, không đủ tích lũy. Vì thế, về già, không còn sức khỏe, họ chỉ biết sống nhờ con cháu. Người già bị phụ thuộc kinh tế nên không thể chủ động ngay cả trong cuộc sống riêng của chính bản thân.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Cử – Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ở nước ta, tỷ lệ người già đang tăng lên, nhưng người già phần lớn không có lương hưu, không có tích lũy, sống phụ thuộc con cháu, nhưng đôi khi con cháu lại ở xa. Do đó, họ không có chỗ dựa, không có người chăm sóc thường xuyên. Điều này đặt ra vấn đề phát triển hệ thống an sinh xã hội cho người già.

Theo PGS Nguyễn Đình Cử, ngay trong thời kỳ dân số vàng đã đặt ra nhu cầu chuyển đổi từ chăm sóc người già bằng mô hình tự cung tự cấp, gia đình tự chăm sóc người thân cao tuổi sang mô hình dịch vụ. Phát triển sớm hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chính là lo cho tương lai của chúng ta hiện nay, chuẩn bị trước cho thời kỳ “hậu dân số vàng”.

Có hiếu không phải chỉ là ở nhà chăm sóc cha mẹ, phải tự tay giặt giũ quần áo, bưng cơm, rót nước cho cha mẹ như trong xã hội nông nghiệp. Chữ hiếu bây giờ đã thay hình đổi dạng để phù hợp với bước chuyển từ xã hội nông thôn sang xã hội đô thị. Ngày trước, lao động nông nghiệp, thời gian nông nhàn nhiều, nên có điều kiện tự tay chăm sóc cha mẹ. Nhưng lao động nông nghiệp là lao động năng suất thấp, nghỉ việc không ảnh hưởng đến ai, bởi sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp.
 
Xã hội hiện nay, mỗi lao động là một mắt xích trong dây chuyền, một người nghỉ là ảnh hưởng tới cả hệ thống. Do đó, xã hội hóa việc chăm sóc người già là phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Công việc của chúng ta là tuyên truyền để người trẻ hiểu và yên tâm để xã hội chăm sóc bố mẹ, người già vui vẻ chấp nhận “mô hình dịch vụ chăm sóc” và không cho đó là biểu hiện của sự bất hiếu.
 

“Tôi đã tới thăm một trung tâm dưỡng lão tại New York – Mỹ. Trung tâm này chăm sóc 5.000 cụ già, chi phí cho mỗi cụ bình quân khoảng 20.000 USD/1 năm. Các cụ góp lương hưu, ngoài ra, con cái, các tổ chức xã hội đóng góp, hỗ trợ thêm. Trung tâm tổ chức cuộc sống cho các cụ khá tốt, hai cụ ở 1 phòng, mỗi cụ một tivi riêng, có tổ nuôi cá, tổ nuôi chim… tùy theo sở thích của từng cụ. Các cụ có bạn già cùng sở nguyện để trò chuyện, giao lưu, vui chơi, ngoài ra có các bác sĩ, y tá chăm sóc sức khỏe và những chăm sóc viên làm việc tại trung tâm, được trả lương. Thi thoảng các cụ về thăm gia đình con cái và con cái đến trung tâm thăm các cụ. Mô hình này ở Việt Nam còn ít, quy mô còn nhỏ. Nhưng chúng ta cần chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển mô hình này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, dù muốn hay không cũng ngày càng tăng”.         

PGS.TS Nguyễn Đình Cử


“Do tuổi thọ ngày càng gia tăng và mức sinh tiếp tục giảm nên đến năm 2020, tức là chỉ sau khoảng 10 năm nữa, số người cao tuổi sẽ gia tăng mạnh trong khi tỷ trọng dân số trẻ trong lực lượng lao động sẽ giảm xuống rất nhanh. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, dân số Việt Nam sẽ từ cơ cấu dân số vàng chuyển sang cơ cấu dân số già – nói một cách khác, Việt Nam đang ở gần ngưỡng dân số già”.       

PGS.TS Đặng Nguyên Anh

Giadinh.net.vn