Báo cáo dân số kỷ niệm 10 năm hội nghị quốc tế về dân số và phát triển

0
91

Cách đây 10 năm, 179 quốc gia đã thống nhất rằng muốn các chính sách phát triển thành công thì phải giải quyết các vấn đề về dân số. Các quốc gia nhất trí rằng các vấn đề dân số không chỉ là vấn đề số lượng, mà trên hết và quan trọng hơn cả, đó là vấn đề con người – con người với tư cách là các cá thể và quyền tất yếu của họ được phát triển, được sống đàng hoàng bất kể là họ sinh ra ở đâu. Các quốc gia cũng thoả thuận rằng việc trao quyền năng cho phụ nữ, đảm bảo bình đẳng giới, và xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chính là nền tảng của các chính sách dân số và phát triển mọi lúc mọi nơi.



Từ năm 1994 đến nay, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã có những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản cho người dân nước mình. Tuy nhiên, bản báo cáo cho rằng các tiến bộ vẫn chưa đồng đều khi triển khai, thi hành các chính sách, luật lệ về quyền bình đẳng của phụ nữ. Để đảm bảo sức khoẻ sinh sản và quyền sinh sản cho phụ nữ, nam giới cũng như vị thành niên, còn có rất nhiều việc cần phải làm.


Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn tồn tại rất nhiều thách thức cần phải giải quyết. Ví dụ như sự khác biệt giữa các vùng trong cả nước đang lớn dần lên. Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở các tỉnh vùng sâu vùng xa có thể cao hơn gấp 10 lần tỷ lệ ở các vùng thành thị, các trung tâm công nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Y tế, số trường hợp tử vong bà mẹ ở tỉnh Cao Bằng là 411*, trong khi ở tỉnh Bình Dương phía Nam chỉ là 45*. Ngoài ra, trình độ học vấn của các bà mẹ và trẻ em gái cũng là vấn đề quan trọng. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là con của các bà mẹ đã tốt nghiệp phổ thông trung học thấp hơn gần 5 lần so với tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là con của các bà mẹ chưa bao giờ được đi học chính quy.


Bên cạnh đó, đại dịch HIV/AIDS có nguy cơ bùng phát ở Việt Nam. Mỗi ngày trên cả nước có khoảng 45 người bị nhiễm mới HIV/AIDS. Trong số các trường hợp bị nhiễm theo báo cáo, HIV/AIDS có xu hướng lây lan nhiều hơn ở độ tuổi trẻ hơn. Từ năm 1999 đến nay, hơn 40% số trường hợp nhiễm mới được báo cáo rơi vào lứa tuổi từ 15 đến 24.


Bản báo cáo cũng cho biết một thông tin đáng mừng. Đó là kể từ năm 1994 đến nay, hầu hết các quốc gia đã lồng ghép các mối quan tâm về dân số vào các chiến lược phát triển. Ở Việt Nam, năm 2003 Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Dân số quy định quy mô, cấu trúc, phân bổ dân cư và chất lượng dân số mong muốn của Việt Nam. Đặc biệt là ngoài việc quy định quyền và nghĩa vụ của công dân, Nhà nước và các nhóm liên quan đối với các hoạt động dân số, Pháp lệnh Dân số còn khẳng định quyền của các công dân được thông tin đầy đủ về các vấn đề sức khoẻ sinh sản, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản có chất lượng.


Một đặc điểm nữa là trong Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và Xoá đói Giảm nghèo, các hoạt động dân số và sức khoẻ sinh sản được dành ưu tiên hàng đầu với các chỉ báo cụ thể và một khuôn khổ đầu tư. Điều này rất quan trọng vì như vậy chiến lược đã thừa nhận những thành tựu của các chương trình dân số và sức khoẻ trong các thập kỷ qua, và tiếp tục khẳng định vị trí ưu tiên của các vấn đề này trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.


Có thể thấy rõ hơn cam kết của Việt Nam đối với ICPD qua việc Chiến lược Dân số Quốc gia Giai đoạn 2001-2010 được thông qua vào năm 2000. Chiến lược này là một phần của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trên diện rộng (giai đoạn 2001-2010). Chiến lược dân số mới đang tiếp cận các vấn đề dân số từ một góc nhìn mang tính chính thể hơn, coi các ưu tiên về sức khoẻ sinh sản là một cứu cánh quan trọng để đạt được cân bằng giữa sự biến động dân số và tốc độ phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Hai chiến lược trên nhấn mạnh rằng tốc độ giảm sinh hiện nay cần được duy trì để đóng góp vào việc ổn định quy mô dân số Việt Nam từ nay đến năm 2050.
Giadinh.net.vn