Triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW: 13 năm nữa, giảm tỉ lệ trẻ thấp còi dưới 15%

0
117

GiadinhNet – Gần 25% trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng thấp còi. Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt mục tiêu tới năm 2025, con số này giảm xuống 20% và chỉ dưới 15% đến năm 2030.

Nghị quyết số 20-NQ/TW  về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nhận định: Chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền còn lớn. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao. Tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện.

Trẻ thấp còi là trẻ có chiều cao theo tuổi thấp hơn so với trẻ bình thường cùng tuổi, chỉ đạt dưới 90% mức chuẩn. Tại một hội thảo về dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức đầu tháng 12/2017, đại diện cơ quan này cho biết, tại nước ta, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm trong 5 năm qua.


Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt chỉ tiêu: Tới năm 2025, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Ảnh minh hoạ

Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt chỉ tiêu: Tới năm 2025, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, tỷ lệ trẻ nhẹ cân giảm từ 17,5% (năm 2010) xuống còn 13,6% (năm 2016). Tuy nhiên vẫn còn gần ¼ (25%) trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng thấp còi. Đặc biệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi người dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh (32,1% so với 16,2%).

Bà Dragana Stricnic, Giám đốc Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, đánh giá: Nguyên nhân chính của tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số do các bà mẹ cho trẻ ăn thức ăn thô sớm, ăn cơm khi mới 2-3 tháng tuổi. Phụ nữ sinh con dày, sinh sớm nên không ít trẻ bị suy dinh dưỡng từ bào thai…

“Khảo sát của chúng tôi tại huyện Simacai, tỉnh Lào Cai gần đây cho thấy có trên 60% trẻ dưới 5 tuổi thấp còi, suy dinh dưỡng, có xã bị tỉ lệ này lên tới trên 70%. Khảo sát thực phẩm sử dụng trong một ngày của 24 trẻ em ở Lai Châu, kết quả là không có trẻ nào được đáp ứng đủ năng lượng, protêin, chỉ có 12% các cháu đạt nhu cầu khuyến nghị về chất béo, có nghĩa 88% không đạt, chỉ 25% các cháu đạt nhu cầu về canxi, 4% đạt nhu cầu về sắt…” – bà Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, thông tin.

Bà Mai cho biết, Việt Nam đang đứng thứ 13 trên thế giới về gánh nặng do suy dinh dưỡng thấp còi gây ra. Hiện có khoảng 1,9 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi. Thực trạng suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi ngoài yếu tố di truyền, theo các chuyên gia, còn có liên quan rất nhiều đến yếu tố dinh dưỡng.

Trong bài giới thiệu và quán triệt hai Nghị quyết số 20 và 21 của Trung ương Đảng về công tác y tế, dân số trong tình hình mới vào cuối tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Bữa ăn của người Việt chủ yếu ăn ngon và no nhưng không đủ vi chất nên tỉ lệ thấp còi vẫn còn cao, lên tới 24,6% (trong khi mức chung của thế giới là gần 23%, tại Tây Thái Bình Dương chỉ còn 12,2%). Bên cạnh thiếu dinh dưỡng là tình trạng thừa cân béo phì đáng báo động ở các thành phố lớn, bệnh học đường như vẹo cột sống, cận thị…

Trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi có thể gây ra những hậu quả khó lường về thể chất, tinh thần và trí tuệ, để lại những hệ lụy lâu dài. Sự phát triển về nhận thức bị cản trở, tầm vóc kém phát triển ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động sau này của trẻ.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, cứ 1% chiều cao giảm đi sẽ tương ứng với 1,4% năng suất của cá nhân đó; và những trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi khi trưởng thành có thu nhập ít hơn 20% so với những người không bị suy dinh dưỡng, thấp còi lúc nhỏ.

Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 20 – NQ/TW đặt ra: Tới năm 2025, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; Phấn đấu đến năm 2030, các chỉ tiêu này giảm còn dưới 15%, ngoài việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định về dinh dưỡng và thực phẩm; Quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; tăng cường vi chất vào thực phẩm, cần có chính sách nghỉ thai sản hợp lý, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.

Bà Trương Tuyết Mai cho biết, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời sẽ có hiệu quả đáp ứng dinh dưỡng rất tốt cho trẻ. Muốn đạt hiệu quả tốt nhất thì bà mẹ cần chú ý từ giai đoạn thai kỳ, dinh dưỡng đầu đời và cho trẻ ăn bổ sung từ sau 6 tháng tuổi.

“Nếu nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có thể tiết kiệm trên 11.400 tỉ đồng” – bà Mai cho biết.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ dinh dưỡng học đường, trước hết là lứa tuổi mầm non và tiểu học. Các trường học cần tiếp tục thực hiện giáo dục dinh dưỡng và thể chất trong hệ thống trường học. Xây dựng mô hình phù hợp với từng vùng miền và đối tượng. Sớm đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi là một chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng.

Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng đào tạo và sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, dinh dưỡng tiết chế và an toàn thực phẩm. Đào tạo cán bộ chuyên sâu làm công tác dinh dưỡng; Củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng đặc biệt là mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở tuyến cơ sở. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt đưa những thông tin, kiến thức về dinh dưỡng cho người dân ở cơ sở.

Đối với hoạt động truyền thông, cần triển khai các hoạt động truyền thông đại chúng với các loại hình, phương thức, nội dung phù hợp với từng vùng, miền và từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao hiểu biết và thực hành dinh dưỡng hợp lý đăc biệt là phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, khống chế thừa cân – béo phì cho nhân dân…

Nghị quyết số 20 – NQ/TW nêu rõ: Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt. Các sản phẩm, thực phẩm đóng gói phải có đầy đủ thông tin về thành phần, năng lượng, cảnh báo về sức khỏe trên bao bì. Triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, người cao tuổi.

T.Nguyên