Bé gái 11 tuổi đau bụng suốt nửa năm do mắc dị tật sinh dục hiếm gặp

0
105

Một bé gái tại TP.HCM mắc dị tật sinh dục mà khoảng 5.000 phụ nữ sẽ có một người gặp phải. Hậu quả, em đau bụng gần nửa năm qua, sút cân, đau đớn và phải phẫu thuật.

Tại một bệnh viện ở TP.HCM, sau khi chụp cộng hưởng từ vùng chậu, bác sĩ phát hiện âm đạo của bệnh nhi có bất thường. Đường ống âm đạo bị “đặc” một đoạn khoảng 5 cm do máu kinh ứ đọng lâu ngày.

Bé gái 11 tuổi đau bụng suốt nửa năm do mắc dị tật sinh dục hiếm gặp - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi thăm khám cho bé gái sau phẫu thuật.

“Bệnh nhi mắc dị tật bẩm sinh đường sinh dục không có một đoạn dài âm đạo, hay còn gọi là bất sản âm đạo”, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, chuyên gia sản khoa trực tiếp điều trị cho hay.

Ngày 6/4, ca phẫu thuật kéo dài hơn một giờ được thực hiện. Dưới sự dẫn đường của siêu âm, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật tạo ra một đường mở thông đi ngang qua âm đạo bị “đặc”. Quá trình này cần sự thận trọng tối đa để không bị lạc đường gây thủng vào bọng đái, trực tràng.

Kết quả, hơn 500 ml máu kinh màu nâu đen, đặc quánh, ứ đọng trong tử cung và âm đạo lâu ngày đã được thoát lưu ra ngoài. Toàn bộ “túi” máu được bơm rửa liên tục. Một ống thông cũng được đặt vào, lưu giữ lại một thời gian để duy trì “đường hầm” mới được tạo ra.

“Khi bác sĩ báo tin con mắc dị tật đường sinh dục, tôi lo lắng mất ăn mất ngủ. Bác sĩ báo tin can thiệp tháo lưu máu kinh bị ứ thành công, gia đình tôi vui lắm vì con không còn đau đớn bỏ cả việc ăn ngủ học hành như thời gian qua”, mẹ bệnh nhi nói.

Bác sĩ Mỹ Nhi thông tin, bất sản âm đạo là dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh của nữ giới khi âm đạo không có được cấu trúc rỗng như bình thường, mà bị “đặc” hoàn toàn hoặc một phần.

Những trường hợp trên, khi bé gái đến tuổi dậy thì, máu kinh đọng lại, dồn ứ ở tử cung do không thể thoát đi đâu được, làm giãn to phần trên âm đạo.

Tình trạng này khiến người bệnh đau đớn vùng bụng dưới ngày càng tăng. Nếu không phát hiện sớm có thể khiến trẻ suy kiệt thể chất, chấn thương tâm lý. Máu kinh ứ đọng, gây chèn ép cơ quan lân cận, có thể dẫn đến gây khó đi tiểu tiện. Bệnh nhân còn đối diện nguy cơ trào ngược máu kinh vào ổ bụng qua hai vòi trứng, làm tăng nguy cơ ứ máu vòi trứng, lạc nội mạc tử cung vùng chậu.

Bất sản âm đạo hiếm gặp, tuần suất thống kê khoảng 1/4.000 đến 1/5.000 phụ nữ. Hầu hết thường không được phát hiện sớm mà chỉ phát hiện khi người phụ nữ đi khám vì vô kinh nguyên phát hoặc không thể quan hệ tình dục, hoặc không hành kinh và đau bụng theo chu kỳ hàng tháng.