Đái tháo đường thai kỳ: Những mối nguy cho mẹ bầu và thai nhi

0
65

Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ có thể phát triển lượng đường trong máu cao. Tình trạng này được gọi là đái tháo đường thai kỳ.

 Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường phát triển từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi.

1. Các triệu chứng và nguyên nhân của bệnh đái tháo đường thai kỳ

Bệnh đái tháo đường thai kỳ hiếm khi gây ra các triệu chứng rõ rệt. Nếu gặp phải các triệu chứng, chúng có thể sẽ nhẹ như mệt mỏi, mờ mắt, khát nước, nhu cầu đi tiểu quá nhiều, nhiễm trùng nấm men. Bệnh được phát hiện trong những lần thăm khám định kỳ của thai phụ.

Nguyên nhân chính xác của bệnh đái tháo đường thai kỳ vẫn chưa được biết, nhưng các hormone có thể đóng một vai trò nào đó. Khi phụ nữ mang thai, cơ thể sản xuất một số lượng hormone lớn hơn, bao gồm:

  • Lactogen nhau thai người
  • Các hormone khác làm tăng sức đề kháng insulin

Những hormone này ảnh hưởng đến nhau thai và giúp duy trì thai kỳ. Theo thời gian, lượng hormone này trong cơ thể bạn tăng lên. Chúng có thể bắt đầu làm cho cơ thể thai phụ đề kháng với insulin, hormone điều chỉnh lượng đường trong máu.

Insulin giúp di chuyển glucose ra khỏi máu vào tế bào của thai phụ, nơi nó được sử dụng để tạo năng lượng. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể tự nhiên trở nên kháng insulin nhẹ, do đó, lượng glucose có sẵn trong máu sẽ nhiều hơn để truyền cho thai nhi. Nếu tình trạng kháng insulin trở nên quá mạnh, lượng đường trong máu có thể tăng lên bất thường. Điều này có thể gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.

2. Những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ

Phụ nữ mang thai có nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ cao hơn nếu bị tăng huyết áp, có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, thừa cân trước khi mang thai, tăng cân lớn hơn mức bình thường khi đang mang thai. Hoặc thai kỳ trước đó đã sinh một em bé nặng hơn 4kg hay đã từng bị đái tháo đường thai kỳ. 

Phụ nữ đã bị sảy thai không rõ nguyên nhân hoặc thai chết lưu, đã được sử dụng steroid như glucocorticoid hoặc mắc hội chứng buồng trứng đa nang, các tình trạng khác có liên quan đến kháng insulin…

Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) cũng khuyến khích các bác sĩ sàng lọc phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 khi bắt đầu mang thai. Nếu có các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường loại 2, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra tình trạng của thai phụ trong lần khám tiền sản đầu tiên.