Phụ nữ mang thai mắc đậu mùa khỉ nên làm gì?

0
71

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có thể có những hậu quả bất lợi cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh nếu bị nhiễm virus đậu mùa khỉ.

Bài viết này giúp bạn đọc có thêm thông tin về những việc cần làm để đảm bảo một phụ nữ mang thai và em bé của họ được chăm sóc nếu họ có hoặc nghi ngờ nhiễm virus đậu mùa khỉ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, phụ nữ mang thai mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể dẫn đến các biến chứng như bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh hoặc thai chết lưu. Một số bằng chứng hạn chế cho thấy bệnh có thể truyền từ mẹ sang em bé qua nhau thai, có thể dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ bị các biến chứng nặng hơn nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ do sức đề kháng còn non yếu. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ em bé nhiễm virus từ mẹ trong quá trình mang thai và sinh nở, WHO khuyến nghị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe lưu ý theo dõi kỹ các biểu hiện và biến chứng ở phụ nữ mang thai nghi ngờ nhiễm bệnh.

Phụ nữ mang thai mắc đậu mùa khỉ có thể ảnh hưởng xấu tới thai kỳ.

 1. Các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ với phụ nữ mang thai

Phụ nữ đang mang thai là đối tượng nguy cơ cao nhiễm virus đậu mùa khỉ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu cần tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị bệnh đậu mùa khỉ.

Việc tiếp xúc không được bảo vệ với đồ dùng của người bị bệnh (đồ dùng cá nhân, quần áo, ga trải giường, khăn tắm…) cũng có thể khiến bạn nhiễm virus đậu mùa khỉ. Các virus có thể tồn tại trên bề mặt trong một thời gian dài, đôi khi lên đến vài tuần.

Theo Khuyến cáo phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cập nhật mới nhất ngày 3/10, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh:

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn giấy dùng một lần. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay ngay sau khi ho hoặc hắt hơi. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động cách ly, tránh quan hệ tình dục. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

2. Chăm sóc mẹ và bé khi thai phụ phát hiện nhiễm đậu mùa khỉ

Nếu phụ nữ mang thai bị bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ sẽ thảo luận với họ về các lựa chọn để kiểm tra sức khỏe của em bé trong và sau khi nhiễm virus, chẳng hạn như siêu âm bổ sung.

2.1 Chăm sóc bà mẹ

Khi một người mang thai xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ  mắc bệnh đậu mùa khỉ (chẳng hạn như phát ban hoặc các tổn thương mới ở bộ phận sinh dục) cần trao đổi với những người bạn tiếp xúc gần (đặc biệt là đã có quan hệ tình dục) về bất kỳ triệu chứng nào mà bạn hoặc họ có thể mắc phải. Khi có nghi ngờ mắc bệnh hoặc các triệu chứng trở nên rầm rộ như sốt, phát ban lan rộng, đau họng hoặc các triệu chứng toàn thân khác cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị hay giấu bệnh.

Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ, nên tiếp tục cách ly và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cho đến khi được điều trị, tất cả các tổn thương đã lành, vảy bong ra và hình thành một lớp da non.

Kể cả sau khi đã được điều trị khỏi, luôn sử dụng bao cao su như một biện pháp phòng ngừa trong khi quan hệ tình dục trong 12 tuần sau khi bạn đã bình phục.

Khả năng lây truyền bệnh đậu mùa khỉ theo chiều dọc, tức từ mẹ sang con qua nhau thai.

2.2 Theo dõi tình trạng thai nhi

Nếu bà mẹ mang thai mắc bệnh đậu mùa khỉ, virus có khả năng lây truyền dọc gây nguy cơ đối với thai nhi là sinh non và thai chết lưu. Do đó, cần thực hiện đánh giá thường xuyên (2-3 lần mỗi ngày) về tình trạng sức khỏe của thai nhi bằng chụp tim mạch nếu tuổi thai ≥ 26 tuần hoặc nếu người mẹ không khỏe. Đánh giá siêu âm của thai nhi và chức năng nhau thai nên được thực hiện thường xuyên trong đợt nhiễm trùng cấp tính.

Trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu thai kỳ), điều này sẽ xác nhận khả năng sống sót và có ý nghĩa sàng lọc. Trong tam cá nguyệt thứ 2, việc đánh giá nên bao gồm sinh trắc học thai nhi cách nhau 10-14 ngày, chụp giải phẫu chi tiết và đo thể tích nước ối. Trong tam cá nguyệt thứ 3, đánh giá nên bao gồm sinh trắc học thai nhi cách nhau 10-14 ngày, chụp giải phẫu chi tiết, đo thể tích nước ối và Doppler thai (động mạch rốn và động mạch não giữa).

Kể cả khi bà mẹ đã được điều trị khỏi, nên cân nhắc việc khám thai 4 tuần / lần cho phần còn lại của thai kỳ để đề phòng các biến chứng.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe thai nhi trong suốt thai kỳ.

2.3 Nên chọn sinh mổ hay sinh thường?

Nếu ở bất kỳ giai đoạn nào có bằng chứng về sự tổn thương thai nhi, hoặc nếu tính mạng của người mẹ có nguy cơ bị đe dọa, thì nên cân nhắc đến việc sinh con. Việc can thiệp để sinh sớm có tính đến tuổi thai, cân nặng ước tính của thai nhi, tình trạng của thai nhi và người mẹ.

Hiện chưa có nhiều bằng chứng về phương thức sinh nở tối ưu ở phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Nhiều khả năng là lây truyền dọc nên có thể em bé đã bị nhiễm bệnh trước khi sinh, trường hợp này mổ lấy thai có thể không có lợi. Hơn nữa, virus có thể lây truyền qua tiếp xúc với các vết thương hở. Do đó, việc chuyển dạ và sinh theo ngả âm đạo ở phụ nữ bị tổn thương bộ phận sinh dục có thể dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh.

Vì vậy, tùy tình hình thực tế về sức khỏe của thai phụ và diễn biến bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định phương pháp sinh phù hợp.

Thông tin chi tiết xem tại đây.