Sơ cấp cứu nạn nhân bị bỏng

0
77

Bỏng xảy ra khi da tiếp xúc với nhiệt độ cao từ 600C trở lên. Có nhiều trường hợp bỏng nhẹ nhưng nếu sơ cứu không đúng cách sẽ khiến cho vết thương trở nên xấu đi, rất khó điều trị và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu biết cách xử trí ban đầu tốt sẽ làm giảm độ bỏng sâu hay làm loãng nồng độ hóa chất (nếu là bỏng hóa chất).
Nguyên nhân, mức độ và những phương pháp trị bỏng sai lầm trong dân gian
Theo bác sĩ Đặng Phi Yến, Trưởng phòng truyền thông Giáo dục sức khỏe, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, TP.HCM, cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra bỏng, bao gồm:
– Lửa.
– Vật rắn nóng (bàn ủi, bô xe, dụng cụ nấu ăn, kim loại, thủy tinh đang nóng ..)
– Chất lỏng nóng, sôi (nước, canh, dầu, mỡ…)
– Khói, hơi nóng (hơi nước đang sôi, khói bô xe nóng thoát ra).
– Điện.
– Chất phóng xạ (từ nhà máy hạt nhân, bom nguyên tử ..); bức xạ chẳng hạn như tia laser, tia X …
– Ánh sáng mặt trời hoặc tia cực tím (UV), ánh sáng từ một đèn chiếu sáng.
– Hóa chất như axit mạnh, kiềm (như dung dịch kiềm hoặc xi măng ), sơn móng hoặc xăng.
– Ma sát.
Dựa vào độ sâu của da bị tác động, bỏng được chia làm 4 độ:
– Bỏng độ một: ảnh hưởng đến các lớp ngoài của da (biểu bì), gây mẩn đỏ, đau và thường giải quyết với các biện pháp cấp cứu trong vòng vài ngày đến một tuần.
– Bỏng độ hai: ảnh hưởng đến cả biểu bì và lớp thứ hai của da, gây mẩn đỏ, đau và sưng. Bỏng độ hai thường trông ướt hoặc ẩm. Mụn nước có thể phát triển và đau có thể nặng. Bỏng sâu độ hai có thể gây ra sẹo.
– Bỏng độ ba: liên quan đến lớp biểu bì, hạ bì và tiếp cận các mô bên dưới chúng (mô dưới da). Da có thể xuất hiện cứng, sáp màu trắng hoặc tan. Bỏng độ ba có thể phá hủy dây thần kinh.
– Bỏng độ bốn: tổn thương vượt ra ngoài mô dưới da và vào các dây thần kinh, cơ bắp và xương nằm bên dưới. Da có thể xuất hiện đen hoặc cháy. Nếu thần kinh thiệt hại đáng kể, có thể cảm thấy không đau.
Y học khuyến cáo, trong tất cả các trường hợp bị  bỏng, tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp dân gian sai lầm để sơ cứu bỏng như: bôi kem đánh răng, bôi nước điếu, bôi mẻ, rửa vết bỏng bằng nước vôi, nước mắm, trường hợp cá biệt còn sử dụng muối để rửa vết bỏng… thậm chí sử dụng thuốc Đông y, đắp lá gây nhiễm khuẩn vết bỏng, nhiễm khuẩn huyết, khiến bệnh nặng thêm gây khó khăn trong điều trị và nguy hiểm đến tính mạng.
Áp dụng các biện pháp có khoa học sẽ giúp vết bỏng nhanh lành
Cũng theo BS. Đặng Phi Yến, biện pháp sơ cứu ban đầu rất đơn giản là ngâm vùng bỏng vào nước lạnh (nước máy) sạch càng sớm càng tốt trong thời gian khoảng 20 phút (không dùng nước đá), chú ý không để vòi nước máy chảy quá mạnh vào vết bỏng có thể làm bể nốt phồng gây đau đớn và nhiễm trùng.
Cởi bỏ quần áo trước khi phần bị bỏng sưng lên. Chú ý dùng kéo cắt bỏ quần áo nạn nhân nếu quần áo dính vào vết bỏng. Không được tự ý lấy bất cứ vật gì bám trên vết bỏng.
Băng nhẹ vùng bị bỏng bằng vải, băng hay gạc sạch, tránh làm vỡ nốt phồng. Tuyệt đối không dùng băng dính băng vết bỏng và bôi bất cứ thứ gì vào vết thương. Tiếp đó, ủ ấm cho nạn nhân, cho uống nhiều nước, cháo loãng, súp… Đối với trường hợp bỏng rộng và sâu cần phải đưa đi bệnh viện, trước khi đưa đến bệnh viện, cần cho nạn nhân uống nước muối đường (1 lít nước chín pha 1 muỗng cà phê muối và 8 muỗng cà phê đường) hoặc uống oresol (pha 1 lít nước chín với 1 gói oresol) để phòng ngừa mất nước và các chất điện giải, sau đó đưa nạn nhân đến ngay trung tâm y tế gần nhất.
Hiện nay, tỉ lên bị bỏng ở trẻ em rất cao, xếp thứ 2 trong số các tai nạn thương tích ở trẻ. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải phòng tránh bỏng cho trẻ:
– Cách ly trẻ với nhà bếp trong thời gian nấu ăn: nhà cần phải có cửa hoặc tấm chắn để cách ly nhà bếp với nhà trên để trẻ không xuống được bếp khi đang nấu ăn
– Cha mẹ không nên sưởi ấm cho trẻ bằng cách đốt củi, lá, than… Trong trường hợp nhất thiết phải đốt than, củi sưởi ấm thì tuyệt đối không được đốt trong phòng kín và để xa tầm với của trẻ phòng tránh bỏng và ngộ độc khí CO.
– Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, ống bô xe máy nóng, diêm, bật lửa, ga, xăng, cồn đèn… ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được như để trong giá, trong tủ có khóa hoặc trên bàn cao. Gia đình cần phải bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý: Để bếp lò phẳng, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong.
– Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên vừa ăn thức ăn nóng khi bế trẻ nhỏ. Không cho trẻ dưới 8 tuổi tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh và luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.
– Người lớn cần dạy trẻ trên 6 tuổi cách phòng tránh bỏng, xử trí bỏng đơn giản. Đặc biệt, luôn trông chừng trẻ mọi nơi, mọi lúc là cách tốt nhất để phòng tránh tất cả các loại bỏng cho trẻ.

Nguồn: BS Đặng Phi Yến, Trưởng phòng truyền thông Giáo dục sức khỏe, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, TP.HCM