Cần những giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt nhất công tác dân số trong tình hình mới

0
107

GiadinhNet – Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới với trọng tâm là Dân số và Phát triển, công tác dân số nước ta đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, khó khăn đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, triệt để nhằm thực hiện tốt nhất công tác dân số trong tình hình mới.

Cần những giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt nhất công tác dân số trong tình hình mới - Ảnh 1.

Tuyên truyền về công tác dân số cho người dân ở huyện Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: T.L

Triển khai đồng bộ các hoạt động

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, công tác dân số ở nước ta đã có bước chuyển mạnh mẽ. Các chương trình đề án trọng tâm đã được Thủ tướng ban hành và được ngành Dân số triển khai như: Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành Dân số đến năm 2030.

Để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, ngành Dân số đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới. Nhằm từng bước đưa Nghị quyết 21 vào cuộc sống, ngành Dân số đã tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số có hiệu quả nhất, phù hợp từng đối tượng cụ thể, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, tập trung cho nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên. Bên cạnh công tác truyền thông, ngành chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở các địa phương đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Trong 3 năm qua, Tổng cục Dân số đã phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 21-NQ/TW để cán bộ và nhân dân hiểu rõ những nội dung chính sách dân số trong tình hình mới. Ngành Dân số các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu Dân số và Phát triển đồng thời các chương trình KHHGĐ, chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, chương trình KHHGĐ sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tiếp tục duy trì và phát triển hiệu quả tích cực. Đề án sàng lọc trước sinh và sau sinh đang mở rộng triển khai tại các cơ sở y tế công lập, qua đó cung cấp kịp thời các thông tin về sàng lọc trước và sau sinh; lập danh sách theo dõi, quản lý đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ để tư vấn, động viên trực tiếp tại các hộ gia đình nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh.

Nâng cao nhận thức và hành động về “Dân số và Phát triển”

Cần những giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt nhất công tác dân số trong tình hình mới - Ảnh 2.

Cán bộ dân số huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông tuyên truyền về thực hiện KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: Va Ly

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW, công tác dân số đã và đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Thách thức lớn nhất là tổ chức bộ máy về dân số của nhiều địa phương thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số ở cấp cơ sở còn thấp. Chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dân số dẫn đến khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối, phối hợp liên ngành. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới, một số văn bản quy phạm chưa phù hợp; một số địa phương còn áp dụng cứng nhắc, không thống nhất đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc triển khai công tác dân số.

Bên cạnh đó có những khó khăn khác như: Mạng lưới cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng chưa phát triển; việc tiếp cận dịch vụ dân số của một số nhóm đối tượng, địa bàn cũng như việc khai thác, chia sẻ thông tin số liệu dân số còn hạn chế; công tác truyền thông dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao; nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu vẫn tập trung vào kế hoạch hóa gia đình…

Một trong những trọng tâm mà người đứng đầu ngành Dân số trăn trở là làm thế nào để những người làm công tác dân số, người dân hiểu và nhận thức được trọng tâm chính sách dân số trong giai đoạn hiện nay. Đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang “Dân số và Phát triển” và đặt dân số trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. Đáng chú ý, công tác dân số không phải là những việc làm có kết quả ngay trước mắt mà là những hoạt động mang tính chất lâu dài, tác động đến sự phát triển bền vững cho 10 năm, 20 năm… thậm chí là 50 năm sau.

Chính vì vậy, các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương cần triển khai ngay và có hiệu quả Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Để đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới, tổ chức bộ máy làm công tác này cần phải được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất. Mặt khác, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành phù hợp yêu cầu chuyển hướng chính sách dân số, từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Tăng cường phối hợp liên ngành nhằm chỉ đạo điều phối có hiệu quả các hoạt động liên quan đến Dân số và Phát triển.

Nghị quyết 21-NQ/TW là kim chỉ nam cho ngành Dân số trong giai đoạn mới với các chiến lược đề ra nhằm đạt các mục tiêu như: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số tiến tới góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

8 nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết 21 là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới truyền thông, vận động về dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế.

Mai Anh