Khi dân số nhanh chóng “già”, gánh nặng đè lên vai người trẻ

0
264

GiadinhNet – Khi người trẻ dành thời gian chăm sóc ông bà thì sẽ giảm bớt thời gian lao động, cống hiến cho xã hội. Tức là sức lao động của toàn xã hội có thể bị ảnh hưởng, bởi phải dành một phần nguồn lực khá lớn để chăm sóc người già.

Khi xã hội đang nhanh chóng “già” đi…

Khi xã hội nhanh chóng "già", gánh nặng đè lên vai người trẻ - Ảnh 1.

Người cao tuổi tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số, vừa là cơ hội và thách thức cho sự phát triển bền vững. Hình minh họa

  Một trong những xu hướng biến đổi mạnh mẽ gần đây là xu hướng già hóa dân số, trong đó người cao tuổi tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số, vừa là cơ hội và thách thức cho sự phát triển bền vững. Chủ động đối mặt với thực tế của già hóa dân số, tìm ra những giải pháp tối ưu hóa lợi ích của già hóa dân số cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực của nó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đang dựa trên phân loại của Cowgill và Holmes (1970) chia các mức độ già hóa của dân số như sau: khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% – 9,9% tổng dân số thì dân số được coi là “già hóa”. Tương tự, 10%-19,9% gọi là dân số “già”; 20%-29,9% gọi là dân số “rất già” và từ 30% trở lên gọi là dân số “siêu già”.

Trên cơ sở cách phân loại này, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ dân số trên 65 tuổi là 7,7% . Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỷ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi, đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.

Theo báo cáo quốc gia Việt Nam “một xã hội đang già hóa”, trong số 13,4 triệu người già, khoảng 64,4% không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh; gần 46% người từ 60 đến 64 tuổi, gần 30% người từ 70 đến 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống.

Nếu dựa trên chuẩn nghèo quốc gia (thu nhập dưới một triệu đồng mỗi người một tháng ở nông thôn và dưới 1,3 triệu đồng ở thành thị), hiện Việt Nam có 16% người trên 60 tuổi thuộc diện nghèo.

Gánh nặng dồn lên người trẻ?

Khi xã hội nhanh chóng "già", gánh nặng đè lên vai người trẻ - Ảnh 2.

Nhiều người già ở Việt Nam không có lương hưu và trợ cấp xã hội. Hình minh họa

Trước hết, phải khẳng định già hóa dân số là một thành tựu trong việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách y tế. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên tới 73,2 tuổi năm 2014; 73,6 tuổi năm 2019 và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030. Khi dân số người cao tuổi sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế, điều đó sẽ mở ra các khả năng biến tuổi thọ thành tài sản cho xã hội.

Vì vậy, người cao tuổi nên được xem như là một nguồn lực cho gia đình, cộng đồng, quốc gia và Nhà nước nên tạo điều kiện khuyến khích để họ tham gia đóng góp cho xã hội. Theo chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực, dân số già hóa là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, việc già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức rất lớn đối với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, trực tiếp nhất là sự thay đổi cơ cấu và quy mô lực lượng lao động, áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Vì nhiều lý do, hiện số người già không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội ở Việt Nam rất lớn. Tính đến cuối 2020, trên toàn quốc có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam); trong số đó, chỉ hơn 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người), tổng cộng khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng. Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác.

Với những người trong độ tuổi lao động, tính đến năm 2020, mới chỉ gần 33,5% tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn gần 32 triệu người (khoảng 66,5%) trong diện này chưa tham gia.

Hơn nữa, rất nhiều người già ở Việt Nam đang gặp vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên nhiều người già thuộc diện nghèo, không có thu nhập hoặc sống phụ thuộc vào con cháu, người thân, không có khả năng chi trả viện phí.

“Câu chuyện này đặt ra thách thức khác, đó là người trẻ dành thời gian chăm sóc ông bà thì sẽ giảm bớt thời gian lao động, cống hiến cho xã hội. Tức là sức lao động của toàn xã hội có thể bị ảnh hưởng, bởi phải dành một phần nguồn lực khá lớn để chăm sóc người già”, GS.TS Phạm Quang Minh, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Phát triển Quốc tế nhìn nhận.

Theo ông Phạm Quang Minh, giai đoạn 2005-2035, cứ hai người trong độ tuổi lao động phải “gánh” chưa đến một người ngoài tuổi lao động. Tuy nhiên, dự báo sau năm 2035, cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải gánh 3 người ngoài tuổi lao động. Vì vậy, cơ hội để người trẻ tích lũy, đảm bảo thu nhập lúc về già bị ảnh hưởng; nếu không có chính sách can thiệp kịp thời, Việt Nam “sẽ luẩn quẩn trong vòng xoáy trẻ không có tích lũy, già nghèo khó, ốm đau, bệnh tật”.

Để thích ứng với dân số già ở Việt Nam, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng lực lượng lao động dồi dào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ba thập kỷ qua. Giờ đây, cùng với quá trình già hóa dân số, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động để thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất nền kinh tế cũng như bắt đầu tiến hành cải cách lương hưu ngay từ bây giờ để duy trì sinh kế cho người cao tuổi trong những thập kỷ tới”.

Ng. Ngân