Người dân có nhu cầu mua sản phẩm, phương tiện tránh thai thuộc Đề án 818 bằng cách nào?

0
341

GiadinhNet – Dấu hiệu rất dễ nhận ra ở các sản phẩm thuộc Đề án 818 là trên bao bì của các sản phẩm đều có logo: Bộ Y tế – Tổng cục DS-KHHGĐ – Đề án 818.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác DS-KHHGĐ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, trong vài năm trở lại đây, nguồn phương tiện tránh thai ở nước ta bị thiếu hụt, đặc biệt là không nhập được thuốc tiêm, cấy tránh thai. Các phương tiện tránh thai chủ yếu vẫn là dụng cụ tử cung, bao cao su, viên uống tránh thai.

Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết, việc thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng tránh thai và hậu quả tất yếu là không khống chế được mức sinh. Ngoài ra còn làm tăng tình trạng nạo phá thai và hậu quả là tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em.

Chính vì vậy, để đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai, theo các chuyên gia, cần tăng cường công tác xã hội hóa, tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu phương tiện tránh thai chất lượng cho người dân; hướng tới sự công bằng trong dịch vụ DS-KHHGĐ.

Người dân có nhu cầu mua sản phẩm thuộc Đề án 818 bằng cách nào? - Ảnh 1.

Một số sản phẩm phân phối trong Đề án 818

Để góp phần cung cấp các sản phẩm, hàng hóa phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ có chất lượng đến với người dân, ngày 12/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt là Đề án 818).

Tiếp đó, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Đề án 818, tính đến hết năm 2020, đã có 28 sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS/KHHGĐ theo phân khúc thị trường được đưa vào phân phối trong Đề án 818. Cụ thể: Nhóm sản phẩm, hàng hóa KHHGĐ (9 sản phẩm): Viên uống tránh thai Anna; Bao cao su sản xuất trong nước: Hello, Hello Plus, Young Lovers; Bao cao su nhập khẩu: Kimiko Plus, I Love You, Nevalyashka; Thuốc tránh thai khẩn cấp BK-1 và Vòng tránh thai Pregna+ Tcu 380A.

Nhóm sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ KHHGĐ, chăm sóc SKSS (19 sản phẩm): Viên bổ sung vi chất Prenatal; dung dịch vệ sinh Vagis; dung dịch vệ sinh đa năng Gyno Pro loại 100ml; dung dịch vệ sinh đa năng Gyno Pro loại 60 ml; Gel bôi trơn Sensi Love; Bột Unical For Rice loại 10 gói/hộp; Bột Unical For Rice loại 20 gói/hộp; Liquid Calci –D3; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Premom; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Glucankid; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Baciplus; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Imuglucan; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lacto Turmerin; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Enzyme 125TM; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tố nữ hoàng sâm; Viên đặt phụ khoa Gyno Gold; Thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt Milk Codoca Hi Canxi (Loại 400g và loại 900g); Thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt MetaMom hương Vanilla (Loại 400g và loại 900g) và thực phẩm bổ sung Nutricarebone (loại 400g và loại 900g).

Các sản phẩm thuộc Đề án 818 được phân phối độc quyền trong hệ thống kênh phân phối xã hội hóa thuộc Đề án 818, trực tiếp cung cấp đến khách hàng là các cán bộ dân số – y tế cơ sở thông qua các buổi hội thảo, truyền thông, tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình.

Và một dấu hiệu rất dễ nhận ra ở các sản phẩm thuộc Đề án 818 là trên bao bì của các sản phẩm thuộc Đề án 818 đều có logo: Bộ Y tế – Tổng cục DS-KHHGĐ – Đề án 818. Người dân có nhu cầu hoàn toàn có thể tham khảo và sử dụng các sản phẩm thuộc Đề án 818.

Anh Tuấn