Sự cần thiết duy trì mô hình Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình

0
4343

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những nỗ lực của mình, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, nếu không duy trì mô hình Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình không chỉ là sự thay đổi cơ học mà còn ảnh hưởng lớn về nhiều mặt, đặc biệt là tác động mạnh mẽ đến nhận thức về công tác dân số của hệ thống cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Thống nhất công tác dân số

Tổng cục Dân số có quá trình lịch sử hình thành và phát triển lâu đời (từ năm 1961), từng có giai đoạn dài là cơ quan thuộc Chính phủ (1984-1991), đặc biệt thời kỳ (1991 – 2007) là cơ quan ngang Bộ trực thuộc Chính phủ. Đây cũng là giai đoạn công tác dân số được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả nhất,thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/HNTW sớm 10 năm và chấm dứt thời kỳ dài, liên tiếp không đạt được mục tiêu về dân số do Đại hội IV-V-VI đề ra.

Theo đại diện Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đã sắp xếp tinh gọn, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Hiện nay, Tổng cục đang hoạt động ổn định và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dân số theo quy định và yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Cán bộ dân số tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đã phân cấp, phân quyền cho địa phương về tổ chức, cán bộ và một số nhiệm vụ chuyên môn. Tổng cục thỏa mãn các điều kiện có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội; được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, những nhiệm vụ đặc thù, cần quản lý tập trung, thống nhất ở trung ương như điều tiết mức sinh, tốc độ gia tăng dân số, quy mô dân số của cả nước, của các vùng; chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm an ninh phương tiện tránh thai; chỉ tiêu, quy hoạch và quản lý sàng lọc trước sinh, sơ sinh cấp quốc gia, khu vực; quản lý hệ cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số với dữ liệu của gần 100 triệu người dân Việt Nam… Hàng năm, Tổng cục đều có văn bản giao những chỉ tiêu này cho các tỉnh, thành phố.

Cần bộ máy tổ chức đủ mạnh

Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 14.1.1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình xác định: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế – xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định:“Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”. Vì vậy, tất cả các Đại hội của Đảng, từ Đại hội IV đến Đại hội XIII đều đề ra chủ trương và mục tiêu cho công tác dân số.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Khóa XII khi đề cập công tác dân số, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh“Đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc”.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không duy trì mô hình Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình không chỉ là sự thay đổi cơ học mà còn ảnh hưởng lớn về nhiều mặt, đặc biệt là tác động mạnh mẽ đến nhận thức về công tác dân số của hệ thống cấp ủy, chính quyền và nhân dân ví dụ như công tác dân số không còn quan trọng và cần thiết trong giai đoạn này. Đồng thời, khó khăn trong việc điều phối, phối hợp liên ngành; hạn chế sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân số…

Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình không còn sẽ làm suy yếu, sụp đổ hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gây tâm lý lo lắng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số cả nước. Chưa kể, khó khăn trong việc hoàn thành các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới được đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW; các mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Bên cạnh đó cũng sẽ không có bộ máy tổ chức đủ mạnh để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, phân bố, mức sinh chênh lệch giữa các vùng, các đối tượng; các giải pháp đồng bộ để phát huy các lợi thế dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Điều này sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho phát triển kinh tế – xã hội, như mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lớn sẽ tác động rất xấu đến trật tự, an ninh xã hội, an ninh xuyên biên giới; khó bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư, tạo sức ép đối với công tác quản lý, cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế… ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững, lao động việc làm; khó khăn cho việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm quy mô dân số của các dân tộc ít người; không ứng phó kịp thời với giai đoạn già hóa dân số…

Thông tin chi tiết xem tại đây