Tiêm hormone tăng trưởng, cậu bé cao thêm 14 cm sau một năm

0
69

TP HCM – Cậu bé 9 tuổi bị thiếu hormone tăng trưởng nên chỉ cao hơn 127 cm, thấp hơn 7 cm so với chuẩn trung bình.

Từ khi bé hai tuổi, bố mẹ nhận thấy con thấp hơn so với bạn đồng trang lứa, tích cực tăng dinh dưỡng nhưng không cải thiện. Bé đã khám tại một số bệnh viện, thậm chí sang Singapore nhưng bác sĩ chưa tìm ra được nguyên nhân lùn.

Ba năm trước, bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chẩn đoán bé chậm tăng chiều cao do thiếu hormon tăng trưởng. Sau 16 tháng điều trị tiêm hormone, bé tăng thêm 14 cm. Hiện, bé tiếp tục điều trị và theo dõi chiều cao, sự phát triển thể chất.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết đây là một trong số hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng điều trị thành công tại viện. Sau 3-6 tháng điều trị bổ sung hormone tăng trưởng, trẻ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8 đến 12 cm mỗi năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung hormone hay ngưng.

Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52 cm. Trong năm đầu, bé tăng khoảng 20-25 cm, sang năm thứ hai tăng 12 cm, năm thứ ba tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7 cm. Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6 cm mỗi năm. Nếu trẻ không đạt mức tăng trưởng chiều cao này, phụ huynh nên cho đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.

Trẻ tầm soát chậm tăng chiều cao tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Ngọc Anh, cách tốt nhất để phát hiện chậm tăng trưởng chiều cao là đo chiều cao hàng tháng và dựa vào biểu đồ tăng trưởng. Nếu đường cong biểu diễn chiều cao nằm ngang hoặc đi xuống, phụ huynh cần cho trẻ đến bác sĩ khám ngay. Nếu trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng, cần điều trị sớm, tốt nhất là trong giai đoạn 4-13 tuổi. Qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị không còn hiệu quả nữa.

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hormone tăng trưởng… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng, tuy chiếm tỷ lệ thấp nhưng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

Thiếu hormone tăng trưởng một rối loạn nội tiết phổ biến, xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích hormone tăng trưởng không đủ. Tình trạng này có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não… Thiếu hormone tăng trưởng có thể bẩm sinh hoặc mắc phải, xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Nếu không được điều trị, trẻ thiếu hormone tăng trưởng có chiều cao trung bình chỉ 135-145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sau này mà còn có thể khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng vì sự mặc cảm, tự ti khi so với bạn bè đồng trang lứa.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức tầm soát miễn phí trẻ chưa dậy thì nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi, từ ngày 25/6 đến 17/7, khám vào sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Bác sĩ sẽ khám cho trẻ, tìm hiểu tiền sử lúc sinh, các bệnh lý, tiền sử gia đình, tốc độ tăng chiều cao, thăm khám lâm sàng, đánh giá tăng trưởng, chụp X-quang xương bàn tay (nếu cần) để được đánh giá tuổi xương. Trường hợp nghi ngờ trẻ chậm tăng chiều cao, bác sĩ hướng dẫn xử trí, bao gồm xét nghiệm máu để định lượng chính xác hormone tăng trưởng và một số hormone liên quan.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết đây là chương trình thường niên của bệnh viện, triển khai từ năm 2017, đến nay đã tầm soát miễn phí hơn 1.700 trẻ. Trong đó, hơn 140 trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng.

 Thông tin chi tiết xem tại đây