Triệu chứng suy hô hấp ở trẻ cha mẹ cần biết

0
250

Thời điểm giao mùa thường gia tăng các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ, các bệnh hay gặp như viêm phổi, phế quản, tiểu phế quản, hen phế quản, tai – mũi – họng… Trong đó có không ít trẻ nhỏ bị viêm phổi biến chứng suy hô hấp nghiêm trọng, có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Suy hô hấp ở trẻ thường tiến triển phức tạp và biến chứng khó lường. Đây là một hội chứng nguy hiểm, vì thế, việc phát hiện sớm dấu hiệu ở trẻ là vô cùng quan trọng.

Trên thực tế, suy hô hấp có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý về đường hô hấp, bệnh tim mạch, não… Ngoài ra, đây cũng có thể là hệ quả của tình trạng hạ thân nhiệt, hạ đường huyết ở trẻ. Ngay từ sau khi ra đời, các cơ quan nội tạng của trẻ bắt đầu đi vào hoạt động và phối hợp nhịp nhàng, nhằm duy trì chức năng hô hấp. Và nếu khả năng thích ứng đó bị rối loạn, thì tình trạng suy hô hấp sẽ xảy ra.

Suy hô hấp ở trẻ tiến triển phức tạp và biến chứng khó lường. Ảnh minh họa.

Biểu hiện suy hô hấp ở trẻ

Vì một lý do nào đó khiến trẻ bị suy hô hấp thì sẽ có các biểu hiện sau:

Trẻ xuất hiện khó thở

Khi bị suy hô hấp trẻ sẽ có biểu hiện khó thở, bởi suy hô hấp khiến giảm oxy máu, tăng hoặc không tăng PaCO2. Cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị ốm cần lưu ý các biểu hiện của suy hô hấp, bởi khi trẻ nhỏ quấy khóc, ngạt mũi, ho… sẽ che lấp các biểu hiện khó thở hoặc biểu hiện không rõ, nếu cha mẹ chủ quan sẽ không phát hiện được.

Biểu hiện suy hô hấp ở trẻ còn có thể nhận thấy là tình trạng nhịp thở tăng, thường kèm theo co kéo cơ hô hấp phụ, giống như viêm phế quản phổi. Có trường hợp suy hô hấp gây nhịp thở giảm, không có co kéo hô hấp do đã bị liệt hô hấp.

Nhịp thở thay đổi

Quá trình trao đổi khí ảnh hưởng gây thiếu oxy và dư thừa CO2, nên bệnh nhi phải thở nhanh hơn để lấy đủ lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Tần số thở của trẻ suy hô hấp sẽ tăng lên khoảng 40 lần/phút. Xuất hiện cơn co kéo hô hấp, nhất là tình trạng lõm ức và rút lõm lồng ngực. Quan sát rõ hơn ở trẻ là khi thở nhanh sẽ thấy hai bên cánh mũi phập phồng rõ rệt. Còn với các trường hợp suy hô hấp có kèm các tổn thương thì nhịp thở thường sẽ giảm đi, người bệnh ngứa cổ nhưng lại không ho được, khiến đờm ứ đọng lại bên trong phế quản.

Trẻ xuất hiện da tím tái

Biểu hiệu khó thở do suy hô hấp còn thấy trẻ tím tái da cơ thể, nhưng biểu hiện này thường không xuất hiện sớm. Vị trí trẻ suy hô hấp tím tái thường thấy là các đầu chi và môi. Sờ thấy các đầu chi vẫn nóng ấm, không giống tím tái như khi bị sốc. Nếu suy hô hấp kèm theo thiếu máu thì không có triệu chứng xanh tím.

Một số trường hợp trẻ có dấu hiệu vã mồ hôi, da đỏ kèm theo hiện tượng ngón tay dùi trống…

Tình trạng khó thở rất nguy hiểm đối với trẻ và phải được cấp cứu càng sớm càng tốt, vì nhịp thở chậm dần, oxy thiếu hụt sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Biểu hiện rối loạn ý thức

Suy hô hấp gây thiếu hụt oxy trong máu nên não là cơ quan ảnh hưởng đầu tiên và cũng tổn thương nặng nề nhất. Khi dấu hiệu rối loạn thần kinh và ý thức ở trẻ suy hô hấp xuất hiện cho biết tình trạng nguy hiểm cần can thiệp. Các biểu hiện ở trẻ là co giật, mất phản xạ gân xương, lẫn lộn, thậm chí hôn mê, lờ đờ.

Biểu hiện rối loạn tim mạch

Suy hô hấp sẽ dẫn đến nhiều dấu hiệu rối loạn tim mạch như: Rối loạn nhịp tim; huyết áp tăng hoặc giảm và cuối cùng có thể ngưng tim nếu thiếu oxy máu trầm trọng, tăng PaCO2 quá mức cũng cần cấp cứu ngay.

Suy hô hấp ở trẻ tiến triển phức tạp và biến chứng khó lường. Ảnh minh họa.

Các mức độ suy hô hấp ở trẻ em

Tùy từng trẻ có các mức độ suy hô hấp khác nhau. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mà suy hô hấp ở trẻ sẽ được chia như sau:

Ở mức độ nhẹ: Tình trạng suy hô hấp ở giai đoạn đầu của bệnh nên mức độ nhẹ nhất. Lúc này trẻ chỉ cảm thấy hơi khó thở và thường sẽ khó thở khi trẻ vận động, chơi đùa quá sức.

Ở mức độ nặng hơn: Biểu hiện của suy hô hấp nặng là thường xuyên diễn ra tình trạng khó thở. Môi, đầu ngón tay, ngón chân đổi sang trạng thái tím tái.

Suy hô hấp nặng ở trẻ em sẽ được can thiệp bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu thuốc điều trị không giảm được các triệu chứng của bệnh thì tùy tình trạng tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện một số thủ thuật y khoa đơn giản.

Ở mức độ nguy kịch: Suy hô hấp nặng hơn là mức độ nguy hiểm nhất của bệnh, với các triệu chứng nặng và nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Đặc biệt, tiến triển của bệnh nhanh, nên cần được cấp cứu ngay mới đem lại hiệu quả cao.

Tóm lại: Suy hô hấp là vấn đề rất hay gặp ở trẻ, nhất là ở trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, tim mạch… tuy vậy, không phải tất cả các trường hợp mắc bệnh lý đều có thể suy hô hấp. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần theo dõi các diễn biến sức khỏe của trẻ. Nếu thấy nghi ngờ bệnh lý nặng hơn, ho nhiều hơn, sốt, viêm nhiễm đường hô hấp, hoặc thấy trẻ khó thở… cần đưa trẻ ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí đúng.

Trong quá trình điều trị nhiễm trùng hô hấp như sốt, ho, mũi họng tiết nhiều dịch nhầy… nên cho trẻ đi gặp bác sĩ để được xử trí sớm. Đặc biệt, cha mẹ cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị, dùng thuốc của bác sĩ đã kê đơn để cơ thể trẻ mau chóng khỏe mạnh trở lại.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Nguyễn Văn Dũng

Thông tin chi tiết xem tại đây.