Mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Tháo gỡ khó khăn, bất cập

0
173

GiadinhNet – Sau khi Thông tư 05/2008/TT-BYT được ban hành, từ chỗ có 3 tỉnh, thành là Hà Nội, Gia Lai và Quảng Trị thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND cấp huyện, đến nay đã có 10 tỉnh, thành phố chuyển đổi sang mô hình mới này.

Mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Tháo gỡ khó khăn, bất cập 1

Cán bộ dân số huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn tư vấn các biện pháp tránh thai an toàn cho người dân. Ảnh: T. K

 
Mới đây nhất, ngày 27/6/2013, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định về việc chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND cấp huyện quản lý.
 
Khó khăn cần khắc phục

Ông Lương Thế Khanh – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Theo báo cáo của các tỉnh, ở nhiều địa phương, viên chức DS-KHHGĐ xã làm việc tại Trạm Y tế đã được Trạm trưởng phân công quá nhiều việc chuyên môn về y tế, do đó không có thời gian dành cho công tác dân số, không có thời gian đi cơ sở mà phải trực ở nhà làm kế toán, phụ khám chữa bệnh, hành chính… Một số nơi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã không để viên chức dân số đi họp, tập huấn ở huyện vì lý do kinh phí. Bên cạnh đó một số viên chức được đào tạo chuyên môn y tế không “mặn mà” với công tác dân số nên sao nhãng công việc. Ở một số nơi khác, do không có quy chế phối hợp giữa các đơn vị y tế trên địa bàn huyện hoặc có quy chế nhưng chưa được kiểm tra uốn nắn kịp thời của cấp tỉnh, nên mối quan hệ công tác giữa Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế trên địa bàn huyện còn bất cập.

Tại Hội thảo chuyên đề DS-KHHGĐ năm 2013 (vừa diễn ra trong hai ngày 22 – 23/7), bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết về những vướng mắc của địa phương mình. Tại Bắc Ninh, việc tuyển dụng cán bộ chuyên trách (CBCT) dân số làm viên chức Trạm Y tế xã lại do Sở Nội vụ thực hiện nhưng ký hợp đồng lao động là Trung tâm DS-KHHGĐ, trả lương là Trung tâm Y tế huyện, hướng dẫn các hoạt động chuyên môn là Trung tâm DS-KHHGĐ. Chính vì tình trạng quản lý, thực hiện này nên cuối năm xét thi đua khen thưởng thì Trạm Y tế “bỏ quên” CBCT dân số vì số cán bộ này chỉ có lương chứ không có… thưởng.

Bà Hà cho biết thêm, có những hoạt động tham mưu tại xã thì CBCT phải báo cáo với Trưởng trạm Y tế để Trưởng trạm báo cáo với UBND xã nên các hoạt động về dân số sẽ kém hiệu quả. “Trong khó khăn, chúng tôi cũng cố khắc phục bằng cách thành lập Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ cấp xã do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban là Trưởng trạm Y tế và Phó Trưởng ban thường trực là CBCT dân số. Nhờ đó CBCT sẽ tham mưu trực tiếp được với lãnh đạo UBND xã về công tác dân số”, bà Hà cho hay.

Cùng chia sẻ về những khó khăn, bất cập nêu trên, bà Trần Thị Lài – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hậu Giang cho hay, tại Hậu  Giang, CBCT dân số khi chuyển về làm viên chức ở Trạm Y tế cũng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, theo bà Lài, các Trung tâm DS-KHHGĐ ở Hậu Giang cũng có “mơ ước” sẽ được chuyển về trực thuộc sự quản lý của UBND huyện.  

Phát huy lợi thế, đạt hiệu quả cao nhất

Ông Lương Thế Khanh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, một số tỉnh thấy mô hình tổ chức cấp huyện và xã như Thông tư 05/2008/TT-BYT có những bất cập đã đề nghị Tổng cục có ý kiến với địa phương, Tổng cục có văn bản gửi hướng dẫn để chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện và chuyển cán bộ DS-KHHGĐ xã về Trung tâm DS-KHHGĐ huyện quản lý, biệt phái làm việc tại UBND xã. 

Việc các tỉnh đang có nhu cầu và chuyển sang mô hình nói trên cho thấy rõ một xu hướng xuất phát từ thực tế tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở. Mô hình tổ chức cấp huyện và xã theo Thông tư 05/2008/TT-BYT không phù hợp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, nhưng việc thay đổi thông qua văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hiện nay chưa thực hiện được, do muốn sửa đổi Thông tư 03/2008/TTLT-BYT-BNV và Thông tư 05/2008/TT-BYT cần chờ sự thay đổi Nghị định 13/2008/NĐ-CP và Nghị định 14/2008/NĐ-CP; do đó, các địa phương có nhu cầu thay đổi mô hình quản lý cấp huyện và xã chủ động xây dựng phương án trình UBND, HĐND quyết định. Trong số 50 tỉnh giao chỉ tiêu biên chế làm công tác DS-KHHGĐ cho xã, đến nay có 10  tỉnh, thành phố là Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Gia Lai, Bình Phước, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thái Bình, Quảng Trị và Bắc Giang đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về UBND cấp huyện quản lý.

Cùng chia sẻ về tổ chức bộ máy ở địa phương, lãnh đạo một số Chi cục DS-KHHGĐ cũng bày tỏ mong muốn bộ máy tổ chức được ổn định và có được sự thuận lợi như các tỉnh đã triển khai mô hình trên. Việc để Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện là tốt nhất vì công tác DS-KHHGĐ mang tính xã hội hóa cao, cần có sự chỉ đạo của UBND huyện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương. Hiện nay, Quảng Ninh cũng đang trình UBND tỉnh thực hiện mô hình này. Các tỉnh Bắc Ninh, Hậu  Giang… cũng có mong muốn được học tập các địa phương đã thực hiện mô hình.

Đối với một số tỉnh như: Hà Nam, Sơn La, Lào Cai… hiện tổ chức bộ máy đã thực hiện theo Thông tư 05/2008/TT-BYT và hoạt động đã ổn định, thuận lợi, ít gặp phải những khó khăn bất cập như nhiều tỉnh khác, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng: Mô hình nào phù hợp với địa phương và phát huy hiệu quả nhất thì thực hiện mô hình đó. Trong quá trình triển khai công tác DS-KHHGĐ, nếu có những khó khăn, bất cập cần có sự chuyển đổi và nhận được sự ủng hộ cao của lãnh đạo UBND các cấp trong việc mong muốn được nhận và quản lý Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện như 10 tỉnh nói trên, Tổng cục DS-KHHGĐ rất tán thành.

TS Dương Quốc Trọng cũng nhấn mạnh, việc mong muốn được chuyển đổi mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện xuất phát từ thực tiễn làm công tác DS-KHHGĐ, nhằm khắc phục những khó khăn, đồng thời cũng thể hiện sự sáng tạo, uyển chuyển của các địa phương trong việc thực hiện công tác dân số; góp phần vào sự thành công của công tác DS-KHHGĐ cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. 
 
Mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Tháo gỡ khó khăn, bất cập 2
Nơi nào lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác dân số sẽ có sự phối hợp rất tốt với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác này. Chúng tôi sẽ có công văn xin ý kiến lãnh đạo Tổng cục về việc chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện và sẽ trình UBND tỉnh để học tập theo mô hình mà gần đây nhất Phú Thọ đã thực hiện.
 
( Trần Thị Lài, Chi cục trưởng Chi cục DS-
KHHGĐ Hậu Giang)
 
Mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Tháo gỡ khó khăn, bất cập 3
Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu cho Sở Y tế trình lãnh đạo UBND tỉnh mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện và đã được tỉnh đồng ý, ra quyết định triển khai ngay. Các huyện rất quan tâm khi chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc, vị thế cán bộ dân số của Trung tâm đã được nâng lên. Tất cả các cuộc họp liên quan đến các ngành tại địa phương đều có sự tham gia của Trung tâm DS-KHHGĐ.
 
(Ông Nguyễn Khắc Bình, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Thọ)
 
Mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Tháo gỡ khó khăn, bất cập 4Theo tôi, mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện và CBCT dân số trực thuộc Trung tâm biệt phái làm việc tại xã là hợp lý để tránh tình trạng là “con nuôi”, được quan tâm sâu sát cả về chế độ chính sách cũng như con người. đề nghị Tổng cục DS-KHHGĐ tham mưu để Bộ Y tế trình Chính phủ ra Nghị định để các tỉnh có căn cứ thực hiện mô hình này.
 
(Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Bắc Ninh)
 
Hà Anh (ghi)

Hà Thư