Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhất trí mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện

0
152

GiadinhNet – Sáng ngày 4/6, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với Tổng cục DS-KHHGĐ và các đơn vị liên quan về công tác DS-KHHGĐ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhất trí với mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện; cán bộ DS-KHHGĐ xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhất trí mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện 1

Cán bộ dân số huyện Châu Thành, Bến Tre truyền thông kiến thức chăm sóc SKSS vị thành niên cho người dân. Ảnh: Dương Ngọc

 
Mô hình có tính ưu việt nhất
Theo đó, Bộ trưởng nhất trí: Ở cấp Trung ương giữ nguyên mô hình Tổng cục DS-KHHGĐ trực thuộc Bộ Y tế như hiện nay (theo Quyết định 17/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Ở cấp tỉnh, trong thời gian tới vẫn giữ nguyên mô hình Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế.
Riêng cấp huyện và xã, đang có nhiều mô hình khác nhau dẫn đến công tác DS-KHHGĐ có sự chồng chéo, hoạt động không hiệu quả nên đã nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của các địa phương. Các ý kiến do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế thu thập từ lãnh đạo UBND tỉnh, huyện, Chi cục DS-KHHGĐ và cán bộ dân số cho thấy: Hầu hết đều mong muốn mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện để có được sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của cấp ủy và chính quyền địa phương đối với công tác DS-KHHGĐ ở tuyến huyện. Đặc biệt, đa số cán bộ DS-KHHGĐ được hỏi đều mong muốn là viên chức làm công tác DS-KHHGĐ trực thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ, được biệt phái làm việc tại xã.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề xuất, để thuận tiện cho công tác lãnh đạo chỉ đạo không nên có nhiều mô hình bộ máy công tác DS-KHHGĐ. Mô hình nào có tính ưu việt nhất, có lợi nhất cho công tác DS-KHHGĐ thì cần thống nhất trên toàn quốc. Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị liên quan; căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (đã trưng cầu ý kiến các Chi cục DS-KHHGĐ, lãnh đạo UBND các tỉnh, huyện, xã và cán bộ DS-KHHGĐ), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã kết luận: Khi xây dựng thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV và Thông tư 05/2005/TT-BYT thống nhất hệ thống tổ chức y tế tuyến huyện có 2 trung tâm: (1) Trung tâm Y tế huyện trực thuộc Sở Y tế, trong Trung tâm Y tế có bệnh viện và Trung tâm Y tế dự phòng, tuyến xã có Trạm Y tế trực thuộc Trung tâm Y tế huyện; (2) Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện; cán bộ DS-KHHGĐ xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã.
Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở địa phương

Ưu điểm của mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện:
Đảng ủy, HĐND, UBND trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.
Thuận lợi hơn trong phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể.
UBND huyện đầu tư kinh phí.
Dễ dàng trong lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Thuận lợi hơn trong hướng dẫn UBND xã và kêu gọi sự đầu tư kinh phí của UBND xã.

Qua khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế vừa thực hiện, số đông cán bộ lãnh đạo của các cơ quan có liên quan tại tuyến tỉnh, tuyến huyện và cán bộ DS-KHHGĐ đã phản ánh lý do đề xuất mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện.

Các ý kiến đều cho rằng, lợi thế lớn nhất của việc này là Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện sẽ có điều kiện cùng làm việc, sinh hoạt với các đơn vị khác trong huyện sẽ nắm vững hơn, am hiểu hơn về các đặc thù của huyện,  trên cơ sở đó sẽ tham mưu giúp UBND huyện những giải pháp sát thực hơn, khả thi hơn, hiệu quả hơn.
Khi trực thuộc UBND huyện, Trung tâm DS-KHHGĐ sẽ có mối liên hệ gắn kết trực tiếp và mật thiết hơn với lãnh đạo UBND, lãnh đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện, vì vậy sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn trong việc thực hiện vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Hoạt động phối hợp liên ngành về DS-KHHGĐ nhờ vậy được tăng cường hơn.
Khi trực thuộc UBND huyện, việc triển khai các hoạt động về DS-KHHGĐ trên địa bàn không chỉ là nhiệm vụ của 5, 6 cán bộ trong Trung tâm DS-KHHGĐ nữa mà đã trở thành trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Từ đó, cam kết chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền tuyến huyện với chương trình DS-KHHGĐ sẽ được tăng cường hơn.
Các hoạt động của chương trình DS-KHHGĐ có cơ hội thuận lợi được lồng ghép trong các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội cùng triển khai thực hiện trên địa bàn. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí triển khai các hoạt động sẽ được cải thiện hơn từ nguồn lực đầu tư của UBND quận, huyện, nhất là trong bối cảnh nguồn lực  của Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ ngày càng hạn hẹp.
 
Cần được đầu tư mạnh về cả nhân lực và nguồn lực
Tại buổi làm việc, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã báo cáo tóm tắt với Bộ trưởng tình hình công tác DS-KHHGĐ với các vấn đề nổi cộm về già hóa dân số, mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, chất lượng dân số Việt Nam, về kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ trong những năm tiếp theo…
Báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ cũng cho thấy rõ, chương trình DS-KHHGĐ nước ta đã và đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ những giải pháp hướng tới quy mô dân số hợp lý sang những giải pháp về nâng cao chất lượng dân số và đảm bảo cơ cấu dân số. Những điều đó đòi hỏi công tác DS-KHHGĐ tiếp tục cần được đầu tư mạnh về nhân lực và nguồn lực trong thời gian tới. Bên cạnh đó phải có nhiều giải pháp xã hội mang tính liên ngành, chứ không chỉ là giải pháp về kỹ thuật y tế. Theo TS Dương Quốc Trọng, cần có một mô hình tổ chức ưu việt, hợp lý, thống nhất từ Trung ương tới địa phương đủ mạnh để có thể đảm đương được trọng trách trong thời gian sắp tới.
Sau khi nghe ý kiến của các bên liên quan, Bộ trưởng nhất trí và chỉ rõ những việc cần triển khai với các đề xuất của Tổng cục DS-KHHGĐ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc triển khai Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2014 – 2020” nhằm khống chế  và giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng phức tạp hiện nay.  
Bộ trưởng hoan nghênh Tổng cục DS-KHHGĐ đã chủ động đề xuất buổi làm việc nhằm giúp các đơn vị liên quan nắm rõ và phối hợp trong công tác quản lý lĩnh vực DS-KHHGĐ và thống nhất được mô hình bộ máy tổ chức của DS-KHHGĐ tốt nhất từ Trung ương tới địa phương. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với vụ, cục, đơn vị của Bộ thực hiện các kết luận của Bộ trưởng tại cuộc họp này trong thời gian sớm nhất.
Ngay sau khi ý kiến kết luận của Bộ trưởng được đăng tải, đã có rất nhiều bạn đọc của Báo Gia đình & Xã hội, trong đó phần lớn là các cán bộ DS-KHHGĐ bày tỏ sự vui mừng và khẳng định đây là quyết định đúng đắn, sáng suốt của người đứng đầu ngành Y tế đối với công tác DS-KHHGĐ. Bạn đọc Nguyễn Hà chia sẻ: “Chúng tôi, những người làm công tác DS-KHHGĐ rất phấn khởi khi nghe và biết Bộ trưởng đồng tình và kết luận bộ máy DS-KHHGĐ được quay về trực thuộc UBND cấp huyện. Phải nói rằng, là người làm công tác DS-KHHGĐ, tôi thấy làm ở đâu thì cũng làm việc cho nhà nước nếu là người có trách nhiệm. Nhưng phải nói rằng bộ máy dân số phải ổn định và chịu sự quản lý toàn diện của UBND thì mới có hiệu quả”.
Độc giả Tuấn Dũng khẳng định: “Đây là một quyết định sáng suốt. Mô hình tổ chức bộ máy lâu nay thiếu sự ổn định khiến những người làm công tác dân số không yên tâm. Chúng ta vẫn nói dân số là bài toán mẹ, là mẫu số của mọi vấn đề, liên quan đến sự phát triển kinh tế – xã hội, sự hưng thịnh của đất nước. Vì thế bộ máy tổ chức càng ổn định bao nhiêu thì sự nghiệp dân số mới đạt kết quả tốt, tham mưu cho Đảng và Nhà nước để ra những quyết sách đúng đắn về học tập, lao động việc làm, an sinh xã hội”…
 
Ưu điểm của mô hình cán bộ DS-KHHGĐ là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, làm việc tại xã:
Đảng ủy, HĐND, UBND trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.
UBND xã đầu tư kinh phí.
Trực tiếp tham mưu công việc với lãnh đạo UBND.
Thuận lợi trong phối hợp liên ngành.
Dành được thời gian và thực hiện đúng chức trách của cán bộ dân số.
Trung tâm DS-KHHGĐ trực tiếp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ.
Có điều kiện tuyển dụng người tâm huyết, có năng lực, ở địa phương và phục vụ địa phương.
 
Hà Thư