Cụ Mai Thị L. cùng những bạn già tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Việt Nam có gần 17 triệu người cao tuổi, chiếm gần 17% dân số cả nước, trong đó trên 2,6 triệu người hơn 80 tuổi. Trong bối cảnh dân số nước ta đang già hóa nhanh, các vấn đề liên quan tới an sinh xã hội cho người cao tuổi đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nhìn nhận đúng vai trò của người cao tuổi là điều hết sức cần thiết, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe và có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.
Về già, nhiều người chọn cách sống chung với con cháu, có người lựa chọn sống tự do, nhưng phần lớn có tâm lý trầm cảm, “giấu mình” vào… thế giới riêng. Bên cạnh đó, cũng có số ít người chấp nhận vào viện dưỡng lão với hy vọng sẽ được xoa dịu nỗi cô đơn.
Cô đơn ở phố thị
Vợ mất, ông Lê Hồng Hiệt (73 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) như “gãy một cánh tay”, cứ thơ thẩn trong nhà cả ngày. Thương bố một thân một mình, các con thuyết phục ông vào TPHCM ở với con cháu cho khuây khỏa. Lần lữa vì sợ khó hòa nhập với cuộc sống thành thị, nhưng con cái động viên mãi, ông Hiệt chấp thuận rời quê lên phố. Lúc đầu, ông Hiệt thấy vui vì hàng ngày được tiếp xúc với trẻ nhỏ, thầy cô giáo, do ông được con xin cho làm bảo vệ ở ngôi trường tiểu học gần nhà thuộc TP Thủ Đức. Làm được gần 3 năm, nhà trường không tái ký hợp đồng thời vụ nữa, ông “thất nghiệp” trở về trong 4 bức tường căn hộ chung cư và lúc nào cũng có cảm giác khó thở.
“Không đi làm thì thôi, về tới nhà vào bữa cơm, chúng nó toàn nói chuyện công ty… Tôi như người thừa. Có mấy đứa cháu, nhưng đến tối là chúng xem điện thoại, ôm máy tính, có đứa nào thích nghe cải lương, dân ca đâu. Tôi đang tìm cách về lại quê, dù biết sẽ cô độc, nhưng tôi thấy thoải mái hơn cách sống hiện nay”, ông Hiệt chia sẻ.
Khác với ông Hiệt, ông Huỳnh Hiếu Dũng (70 tuổi, quê Bến Tre, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) thấy bàng quan với cuộc sống, bởi ông không phải lo cơm áo gạo tiền, do con định cư ở nước ngoài thường xuyên gửi tiền về phụ giúp. Thế nhưng, ông nói lúc nào cũng buồn vì năm thì mười họa con mới về thăm. “Tôi lựa chọn đi “làm thuê” cho đứa cháu ở một xưởng may mặc trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Thế mà khuây khỏa”, ông Dũng cười nhạt khi nói về việc mình đi làm.
Còn bà Nguyễn Thị Thu (65 tuổi, ngụ phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) lại lựa chọn học cách chấp nhận tự do nhưng cô đơn vì không muốn làm phiền con cháu. Con cái muốn bà về TPHCM để được chăm sóc tốt hơn nhưng bà nhất quyết không chịu vì sợ cuộc sống bó hẹp trong ngôi nhà phố, vì những thói quen sinh hoạt, cách ăn uống trên thành phố làm người sống cả đời ở quê như bà cảm thấy lạc lõng. “Nói thật, những lúc trái gió trở trời, mình mẩy ê ẩm đâu có cho con biết, bưng chén cơm, uống viên thuốc cũng tủi lắm”, bà Thu nói.
Ngày càng ít gia đình 3-4 thế hệ
Theo kết quả khảo sát mới đây của Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tại TPHCM (nơi có trên 1,1 triệu người cao tuổi), 54,5% người cao tuổi hài lòng khi sống chung với gia đình mở rộng. Như vậy, cứ 2,2 người cao tuổi thì có 1 người không hạnh phúc khi sống với con cháu trong gia đình mở rộng. “Đa số người cao tuổi phải chấp nhận hài lòng với cuộc sống lặng lẽ như vậy. Rất nhiều người cao tuổi đang sống một mình hoặc ở cùng người dưới 15 tuổi. Đó là thực tế đang ngày càng gia tăng ở nước ta”, TS Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho biết.
Theo TS Trương Xuân Cừ, người Việt Nam có truyền thống “trẻ cậy cha, già cậy con”, tuy nhiên hiện các gia đình truyền thống 3-4 thế hệ đã giảm. Để giải quyết tình trạng cô đơn của người cao tuổi, cần có sự chung tay của cả gia đình, xã hội và Nhà nước: gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc người cao tuổi; xã hội cần có các chính sách hỗ trợ, giúp họ có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu với mọi người; Nhà nước cần có các chương trình, dự án cụ thể để giúp người cao tuổi hòa nhập xã hội.
Hàng ngày, nhân viên điều dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè chăm lo từ bữa ăn tới giấc ngủ cho các cụ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nỗi lòng… viện dưỡng lão
“Ông ơi, nay ông thấy khỏe hơn chưa, ăn uống có ngon miệng không?”, lời thăm hỏi ân cần của điều dưỡng Trần Văn Hiệu tại khu bại liệt nam, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) làm đôi mắt mờ đục của ông Nguyễn Văn T. (sinh 1949, ngụ TPHCM) như muốn nhòe đi. Gặng hỏi mãi, ông mới “bập bẹ” kể chuyện đời mình. Trước đây, ông T. cũng có một gia đình với người vợ hiền tần tảo khuya sớm, chăm chút cho người con gái ăn học đàng hoàng. Từ lúc vợ mất, con gái sinh tật hay cằn nhằn khiến ông thấy tổn thương. Không chịu nổi sự lạnh nhạt của con, ông bỏ ra ngoài lang thang, rồi vướng vào ma túy.
“Lúc đó, tôi nghĩ bản thân vô phúc nên chọn hướng tiêu cực”, ông T. giãi bày. Sau khi cai nghiện thành công ở Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu, địa phương tìm mọi cách khuyên nhủ cô con gái đón ông T. về chăm sóc, nhưng đáp lại chỉ là cái lắc đầu hờ hững. Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc trở thành mái nhà che chở cho ông những ngày cuối đời.
Không riêng gì ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, nhiều trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố cũng không thiếu những trường hợp như ông T. Đơn cử như cụ Mai Thị L. (87 tuổi, ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức), cách đây hơn 10 năm cũng có một gia đình ấm cúng, nhưng khi chồng mất, bi kịch bắt đầu ập đến. Cụ L. có 4 người con (1 trai, 3 gái) đều được cho ăn học thành tài. Chồng chết, con trai sau đó không may mắc bạo bệnh cũng qua đời, con dâu về ngoài Bắc lập gia đình mới, cháu nội đang học lớp 11 nhớ mẹ, nằng nặc đòi ra.
“Tưởng cháu ra Bắc sẽ được chăm sóc đủ đầy hơn, nào ngờ lúc ra biết mẹ đã có thêm em…, nó bỏ nhà đi bụi. Đau lắm!”, cụ L. mếu máo. Bi kịch chưa dừng lại ở đó, 3 người con gái “thỏa thuận” ngầm rồi sang tên ngôi nhà cho con rể trưởng, vậy là cụ phải đi ở thuê vì các con gái đều định cư ở CHLB Đức. Thấy một thân côi cút, địa phương vận động cụ vào ở Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè để được chăm sóc tốt hơn.
Gánh gồng lo cho cả cháu
6 năm trước, chồng bà Nguyễn Thị Liễu (69 tuổi, ngụ khu tái định cư Lung Ranh, ấp 1, xã Khánh Hội, U Minh, Cà Mau) mắc trọng bệnh, tài sản trong nhà đội nón ra đi. Hết tiền, bệnh không thuyên giảm, bà bấm bụng đưa chồng về nhà rồi ông mất. Không lâu sau đó, con trai duy nhất tiếp tục bị tai nạn nằm một chỗ. Hiện 2 đứa cháu nội là động lực để bà sống tiếp. “Cả hai đứa đều chăm ngoan, học giỏi. Hôm rồi đứa lớn được nhà trường khen thưởng dưới cờ vì đạt kết quả học sinh giỏi học kỳ 1, tôi vui lắm. Con tôi cũng đã cà nhắc đi bán vé số được rồi, đây là động lực để có khổ cực đến mấy tôi cũng phải ráng lo cho hai cháu học hết lớp 12 rồi sau đó tính tiếp”, bà Liễu tâm sự.
Tương tự, bà Kiều Thị Bông (70 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú phường Lái Thiêu, TP Thuận An, Bình Dương) hơn 10 năm nay gắn bó ven đường Cách Mạng Tháng Tám và chợ Lái Thiêu với nghề bán vé số dạo. Nắng cũng như mưa, mỗi ngày bà phải bán hết ít nhất 200-250 tờ vé số mới đủ chi phí nhà trọ, ăn uống, thuốc men do chứng bệnh thoát vị đĩa đệm hành hạ. “Nhà tôi có 3 người con, 2 đứa cháu. Cuộc sống của chúng nó khó khăn, nhưng được cái các cháu đều học giỏi nên tôi ráng tằn tiện mỗi tháng cũng cho các cháu 2 triệu đồng lo sách tập, học phí. Mong chúng nó cố gắng học giỏi để thoát cảnh khổ như bà, như ba mẹ chúng”, bà Bông chia sẻ.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng
Xem chi tiết tại đây