Không chỉ Việt Nam, thế giới ngày càng có nhiều người trẻ lười kết hôn hoặc kết hôn nhưng ngại sinh con. Ở Hàn Quốc, quốc gia có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, nhiều trường tiểu học phải đóng cửa.
Hàn Quốc hiện có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, trong khi số hộ nuôi thú cưng lại tăng lên. Trong ảnh: Những người chủ dắt thú cưng đến Daegu Pet Show 2023 tổ chức tại Exco, thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 9-6-2023 – Ảnh: NEWS1
Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế – xã hội mới đây, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TP.HCM) cho rằng hiện nay, một bộ phận giới trẻ lười kết hôn do thu nhập thấp, chi phí cao. Thay vào đó, nhiều người chọn nuôi thú cưng làm niềm vui.
Không chỉ Việt Nam, đây là tình trạng mà các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt.
Ngại sinh con, trường tiểu học phải đóng cửa
Theo The Korea Herald, Hàn Quốc hiện có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, bình quân ở mức chỉ 0,78 trẻ/phụ nữ. Năm 2020, chỉ 23% hộ gia đình có trẻ em. Liên tục nhiều trường tiểu học bị đóng cửa.
Chia sẻ với Reuters, anh Kang Sung Il và vợ cho biết chưa bao giờ dám nghĩ tới việc sinh em bé vì có quá nhiều áp lực.
“Ở Hàn Quốc, mọi người quan niệm rằng cha mẹ phải chu cấp đầy đủ nguồn lực để con cái có thể đi học gia sư, rồi học thêm hay học nghệ thuật trong cả chục năm”, anh cho biết.
Bên cạnh chi phí học tập khổng lồ cho con cái, một người Hàn Quốc trung bình phải tiết kiệm gần 13 năm để có đủ tiền mua một căn nhà cỡ vừa. So với năm 2014, thời gian đó chỉ khoảng 9 năm, theo số liệu của Ngân hàng Kookmin Bank.
Trong khi đó, trung bình người Hàn Quốc làm việc nhiều giờ nhất mỗi năm so với các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ sau Mexico và Costa Rica, hơn nhiều so với Nhật Bản và Mỹ.
Ngại sinh con, vợ chồng anh Kang Sung Il chọn nuôi Sancho – một con chó giống Pomeranian (phốc sóc). Họ nói rằng mỗi tháng chỉ mất khoảng 100.000 won (90 USD) nuôi Sancho.
Năm 2020, khoảng 30% hộ gia đình Hàn Quốc cho biết đang nuôi ít nhất một con vật cưng.
Tỉ lệ hộ gia đình có trẻ em có xu hướng giảm. Trong khi đó số hộ nuôi thú cưng lại tăng. Doanh số bán xe đẩy thú cưng ở Hàn Quốc tăng nhanh.
Chính phủ thậm chí có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô ngành chăm sóc thú cưng lên 15.000 tỉ won (11,4 tỉ USD) vào năm 2027, Yonhap News Agency cho biết.
Thu nhập càng cao càng ngại sinh con
Theo khảo sát, các hộ gia đình có vợ chồng trong độ tuổi từ 25 – 44 do Tổng cục Thống kê Hàn Quốc thực hiện, khi thu nhập của phụ nữ Hàn tăng gấp đôi thì số con của họ giảm 4%, tờ The Korea Herald cho biết.
Trung bình, gia đình có hai vợ chồng cùng đi làm chỉ có 1,36 con/hộ, trong khi gia đình chỉ có một đầu lương từ người chồng, tỉ lệ sinh là 1,46 con/hộ.
Báo cáo do Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) công bố hồi tháng 4 chỉ ra rằng gián đoạn sự nghiệp và những bất lợi tương tự tại nơi làm việc với phụ nữ sau sinh chiếm tới 40% nguyên nhân, khiến tỉ lệ sinh giảm trong giai đoạn 2013-2019.
Phụ nữ Hàn có trình độ học vấn cao nhất trong số các quốc gia thuộc OECD, nhưng chênh lệch thu nhập theo giới tính ở nước này lại thuộc hàng cao nhất.
Tỉ lệ phụ nữ thất nghiệp cũng cao hơn so với nam giới.
Theo giới chuyên gia, tình trạng này cho thấy phụ nữ đang phải lựa chọn giữa sự nghiệp và xây dựng gia đình. Và ngày càng nhiều người chọn sự nghiệp.
Chia sẻ với Đài BBC, Yejin, nữ nhân viên sản xuất chương trình truyền hình 30 tuổi, cho biết: “Có một áp lực ngầm từ các công ty là khi chúng tôi có con, chúng tôi phải nghỉ việc”. Cô đã chứng kiến chuyện đó xảy ra với chị gái mình và hai người dẫn chương trình tin tức mà cô yêu thích.
Hàn Quốc đã chi hơn 286 tỉ USD cho công tác khuyến sinh từ năm 2006 nhưng không thể đảo ngược xu hướng.
Đây là tình trạng không chỉ xảy ra ở Hàn Quốc, các nước khác trong khu vực châu Á như Trung Quốc cũng đang phải đối mặt.
Lối sống độc thân lên ngôi
Năm ngoái, có 9,02 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Trung Quốc, đánh dấu năm thứ bảy liên tiếp con số này sụt giảm, The New York Times cho biết.
Số ca sinh năm 2022 là 9,56 triệu.
Chia sẻ với The Guardian, Lijia Zhang, một nhà văn Trung Quốc, cho biết: “Nhiều phụ nữ thành thị, có học thức không còn coi vai trò làm mẹ như một bước tất yếu trong cuộc sống hay là yếu tố cần thiết để có được hạnh phúc”.
Một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp nhằm nỗ lực tăng tỉ lệ sinh, từ trợ cấp tiền mặt cho phụ nữ sinh thêm con đến giảm giá kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhưng theo The Guardian, cho đến nay các biện pháp khuyến khích của chính phủ hầu như không làm thay đổi được việc tỉ lệ sinh liên tục sụt giảm.
Trong khi đó, lối sống độc thân lâu dài đang dần trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Thông tin chi tiết xem tại đây