XU HƯỚNG ‘NGẠI’ SINH CON, DỰ BÁO DÂN SỐ VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG ÂM

0
80

Tuổi kết hôn tăng, giảm tỷ lệ kết hôn và xu hướng sinh con muộn là các yếu tố khiến Việt Nam có nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già.

Theo Bộ Y tế, năm 1994, tại Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển diễn ra ở Cairo (Ai Cập), 179 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Chương trình hành động trong lĩnh vực dân số và phát triển.

Xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn hơn và sinh ít con nếu không được can thiệp là các yếu tố khiến dân số Việt Nam tăng trưởng âm trong tương lai

Trong 30 năm thực hiện Chương trình hành động, Việt Nam đã đạt các kết quả về công tác dân số như: tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ 2007; tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện về nhiều mặt.

Tuy nhiên, công tác dân số trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già.

Cạnh đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục; chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế.

Đáng lưu ý, theo Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104 – 106/100 trẻ em gái.

Ở Việt Nam, từ 2009, kết quả tổng điều tra dân số đã ghi nhận, tỷ số này đã vượt mức sinh học bình thường và từ 2010, tỷ số này đã ở ngưỡng đáng báo động là 110,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Cá biệt, có nơi tỷ số này từng lên đến 114/100.

Mức giảm dân số ngày càng lớn

Thông tin về các yếu tố giảm mức độ gia tăng dân số, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết tại Việt Nam, theo các nghiên cứu, điều tra trong nước, tuổi kết hôn tăng, giảm tỷ lệ kết hôn. Điều này cho thấy xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.

Theo ước tính của các chuyên gia về dân số, tốc độ tăng dân số của Việt Nam đang giảm, bình quân giai đoạn 2017 – 2020 là tăng 1,07%.

Tuy nhiên, do mức sinh có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%) và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo, theo dự báo dân số Việt Nam 2019 – 2069 của Tổng cục Thống kê.

Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.

Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo đúng như mục tiêu Nghị quyết số 21/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII ngày 25.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới đề ra thì đến cuối thời kỳ dự báo, dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064 – 2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.

Như vậy, nếu mức sinh tiếp tục giảm, số người được sinh ra ngày càng ít đi thì tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già.

“Chúng ta đang triển khai các chính sách kiểm soát mức sinh, điều chỉnh kịp thời khi mức sinh có xu hướng giảm. Hiện trên thế giới chưa có nước nào thành công trong việc đưa về mức sinh thay thế khi TFR giảm sâu. Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng can thiệp ngay khi có dấu hiệu xu hướng mức sinh giảm ở phạm vi rộng để tránh việc mức sinh xuống thấp”, ông Dũng cho biết.

Nhân sự kiện 30 năm thực hiện Chương trình hành động về dân số và phát triển và Ngày Dân số thế giới 11.7 năm nay tại Việt Nam với chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, Bộ Y tế đề nghị UBND, Ban Chỉ đạo dân số và phát triển các tỉnh, thành đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, áp phích, tài liệu, tờ rơi với nội dung công tác dân số liên quan đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước và của địa phương trong hiện tại và tương lai.

Tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành; phân công nhiệm vụ, thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện công tác dân số trên địa bàn, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Thông tin chi tiết xem tại đây