Bị “kẹp” giữa cha mẹ và con cái, nhiều người con một rất áp lực, nhất là những nhà kinh tế bị hạn chế – Ảnh: DIỆU QUÍ
Áp lực của thế hệ này càng nặng nề hơn nếu hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ đủ ăn, thậm chí dù có dư dả đôi chút.
Trên chăm cha mẹ, dưới nuôi con nhỏ
Thế hệ “bánh mì kẹp” (Sandwich Generation) là thuật ngữ do nhà xã hội học người Mỹ Dorothy Miller đặt ra vào năm 1981, đề cập đến những người trưởng thành bị kẹp giữa hai áp lực cùng lúc. Đó là vừa chăm sóc cha mẹ già, vừa phải nuôi con cái.
“Tôi chưa bao giờ vui khi mình là con một” là câu nói mà Lê Thị Hồng Loan (29 tuổi, đã đổi tên) mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Hồng Loan là đứa con duy nhất trong một gia đình kinh doanh quán cơm nhỏ, dù không quá thiếu thốn nhưng cũng chỉ dư đôi chút.
Từ nhỏ, cô gái quê Đồng Nai đã nhìn ra tương lai có thể sẽ phải nuôi cha mẹ nên luôn cố gắng học để đi làm kiếm tiền phụ giúp. Sau khi tốt nghiệp đại học, Loan cũng phải bươn chải một số nghề rồi mới gắn bó với vị trí nhân viên ngân hàng ở TP.HCM cách đây bốn năm.
Cũng vào bốn năm trước, cha Loan gặp tai nạn giao thông, dù vẫn đi lại được song không thể làm được việc nặng, mẹ cô cũng nay đau mai ốm nên quán cơm đóng cửa.
Thời gian đầu, nhà vẫn còn tiền dành dụm nên Loan cũng chỉ gửi tiền về nhà đôi tháng một lần. Nhưng chỉ hơn một năm sau đó, tiền bạc trong nhà cạn kiệt, Loan trở thành trụ cột chính trong nhà.
Nỗi vất vả càng đổ dồn lên khi gần ba năm trước, cô kết hôn và có con đầu lòng. “Chồng tôi làm sale bảo hiểm, nhưng ai cũng thấy là tình hình kinh tế khó khăn nên từ năm ngoái tới giờ gần như đâu có làm được gì”, Loan nói mình quá mệt khi vừa phụng dưỡng cha mẹ, lại phải nuôi con nhỏ, đôi lúc nuôi thêm… chồng trong khi thu nhập không cao, chưa kể tiền thuê nhà.
Thương con gái cực khổ, mẹ Loan ở quê làm một số món ăn rồi đăng lên mạng bán. Bên nội của con gái chị cũng hỗ trợ một ít chi phí, song chẳng thấm vào đâu.
ThS Phạm Chánh Trung – chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM – cho biết Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về áp lực của con một gặp phải.
Tuy nhiên trong một số nước châu Á, con một với sự kỳ vọng rất lớn từ gia đình về sự thành đạt, cộng thêm áp lực của thế hệ con một trong việc nuôi dưỡng và phụng dưỡng cha mẹ trong truyền thống chính là một vấn đề rất thách thức của thế hệ con một trong xã hội.
“Thiết nghĩ cũng cần nhắc lại về một mô hình nhân khẩu học đã được các chuyên gia nhận định từ câu chuyện thế hệ con một tại Trung Quốc.
Đó chính là lo ngại của các chuyên gia khi nếu hôm nay “mỗi gia đình chỉ sinh một con” với công thức 4-2-1 (tức một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai cha mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới “thảm họa” theo công thức ngược lại 1-2-4 (tức một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai cha mẹ và bốn ông bà nội, ngoại).
Rất có thể những đứa trẻ ngày hôm nay được “chăm sóc” rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại chính bản thân và sáu người cao tuổi trong tương lai”, ông Trung nhấn mạnh.
Điều này đúng với trường hợp của Hồng Loan. Là con một, từ nhỏ chị được cha mẹ và hai bên nội ngoại chăm sóc rất tốt, không để con cháu mình thua kém bạn bè.
Được dồn hết yêu thương lúc nhỏ thì khi lớn lên, đổi lại trách nhiệm đối với cha mẹ cũng đè trọn lên vai người con một. Khi có con, Loan càng bị kẹp chặt giữa những gánh nặng, áp lực chồng chất.
Chị nhớ lại: “Có lần đó ba tôi bệnh nặng, con thì sốt mọc răng nhưng tôi phải để con cho chồng giữ, xin nghỉ phép rồi về quê tiếp mẹ nuôi ba trong bệnh viện”.
“Con một chỉ thật sự sung sướng khi nhà bạn giàu hoặc bạn kiếm được nhiều tiền để lo cho cha mẹ có cuộc sống tốt”, Loan bộc bạch.
Thực tế có những người con một không phải chịu quá nhiều áp lực nhờ cha mẹ khá giả và mạnh khỏe như anh Trần Hoàng Thanh (33 tuổi, đã đổi tên). Cũng là con một, song anh không phải mang áp lực kinh tế nuôi mẹ, ngược lại còn được mẹ cho mượn tiền khi mua nhà ở Sài Gòn.
Người đàn ông quê Trà Vinh kể từ nhỏ chủ yếu sống với mẹ vì cha ở riêng. Mẹ anh Thanh là vợ thứ hai và chỉ sinh mình anh, trước đó cha anh có sáu đứa con với người vợ đầu.
Anh Thanh lớn lên bằng sự nỗ lực làm đủ thứ việc ở khắp các tỉnh thành miền Tây để kiếm tiền của mẹ mình. Thương con, nhưng bà cũng dạy dỗ hết sức nghiêm khắc để con biết quý trọng đồng tiền cũng như tránh xa các tệ nạn xã hội khác.
Từ khi con lên thành phố học đại học, ra trường đi làm ổn định và kết hôn, bà Hai – mẹ anh Thanh – ở quê có đồng ra đồng vào từ tiệm tạp hóa của gia đình. Ở quê ít chi tiêu nên bà cũng dành dụm được một số tiền. Do đó, bà từ chối nhận tiền con trai gửi về.
“Tôi chưa từng gửi tiền về nuôi mẹ. Mẹ tôi có suy nghĩ còn sức khỏe thì cứ làm việc kiếm tiền chứ không nhờ vả, dựa dẫm con cái phải nuôi.
Tôi là con một nên có gì mẹ cũng dành hết cho mình tôi”, anh Thanh nói. Hai, ba năm trước, vợ chồng anh Thanh mua một căn hộ ở TP Thủ Đức mà chưa đủ tiền, bà Hai còn cho con trai mượn một khoản kha khá.
Bà Hai hiện đang sống ở quê cùng người em trai ruột không có vợ con. Muốn phụng dưỡng mẹ, anh Thanh nhiều lần đề nghị bà lên thành phố sống cùng vợ chồng con trai và cháu nội, song bà Hai từ chối vì đã quen cuộc sống lao động ở quê. Còn sức làm việc, bà chẳng muốn ngồi không để con cái phải nuôi mình.