GiadinhNet – Với tốc độ già hoá dân số siêu tốc như hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già, với tỷ lệ người già khoảng 31%.
Thông tin này được đưa ra tại Đối thoại Chính sách y tế chongười cao tuổido Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức ngày 2/12, tại Vĩnh Phúc.
Cứ 3 người trong tuổi lao động có 1 người trên 60 tuổi
Theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục từ 7,1% dân số (năm 1989) tăng lên 10,5% (năm 2013).
Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn 6 năm so với dự báo.
Với tốc độ già hóa dân số nhanh hơn so với các nước khu vực, chỉ số già hoá 43,5%, Việt Nam chỉ mất khoảng 20 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già. Tốc độ này được nhận định là nhanh nhất thế giới.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số, gấp hơn 2 lần hiện nay. Năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số.
Điều này có nghĩa là, năm 2050, cứ 3 người trong độ tuổi lao động, lại có 1 người cao tuổi.
Khẳng định già hoá dân số là thành tựu đáng tự hào của phát triển kinh tế – xã hội, chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội, tuy nhiên, các đại biểu tại chương trình Đối thoại cũng chỉ ra rằng: Khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhu cầu đào tạo nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi rất lớn, song năng lực của các cơ sở đào tạo hiện nay còn hạn chế. ThS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Tại Việt Nam hiện chỉ mới có 1 bênh viện tuyến cuối chuyên trách chăm sóc, khám chữa bệnh lão khoa, phục hồi chức năng cho người cao tuổi là Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Tại tuyến tỉnh, chỉ mới có 2/15 bệnh viện tỉnh thành lập khoa Lão, 6/15 bệnh viện tỉnh ghép khoa trong đó có lão khoa. Về nhân lực, cán bộ có chuyên môn, được đào tạo chăm sóc lão khoa rất thiếu thốn.
Về thực trạng đào tạo chuyên ngành Lão khoa, ThS Trung Anh cho biết: Tại Đại học Y dược TP HCM, đã có khoa Lão khoa nhưng lại chưa có bệnh viện chuyên về lão khoa trên địa bàn Thành phố. Trong khi đó ở Hà Nội, bộ môn Lão khoa chỉ mới được thành lập năm 2014 tại trường Đại học Y.
Trong 2 năm 2013-2014, Bệnh viện Lão khoa Trung ương mở các lớp đào tạo chuyên ngành Lão khoa cho 36/63 tỉnh, thành.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại chương trình Đối thoại
Tăng cường môi trường tiếp cận thân thiện, chú trọng điều trị dự phòng
Từ góc độ thực tế khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, ThS Trung Anh chỉ ra rằng, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 – 10 lần người trẻ, người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc và xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế.
“Các bệnh nhân đến Bệnh viện Lão khoa Trung ương để khám ngày một nhiều lên. Trước đây, một buổi sáng chỉ có khoảng 100 người cao tuổi đến khám, nay tăng lên 300-400 người. Hầu hết bệnh nhân mắc từ 3 – 4 bệnh trở lên. Tính bình quân, mỗi người cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên) phải sử dụng từ 3 – 5 loại thuốc, thậm chí có người còn dùng tới 8 loại thuốc để điều trị nhiều bệnh phối hợp.Chi phí y tế do đó cũng tăng lên” – ông Trung Anh nói.
ThS Trung Anh cho rằng, để chẩn đoán, điều trị, sử dụng hợp lý chi phí, các bác sĩ không lạm dụng thuốc thế hệ mới, chỉ ưu tiên cho các bệnh nguy hiểm, quan trọng, nhằm cân đối chi phí cho bảo hiểm y tế cũng như giảm phần chi trả của người bệnh. Do đó, các đại biểu trong chương trình Đối thoại cho rằng, cần phải đầu tư hơn nữa vào điều trị dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, để làm giảm nguy cơ người cao tuổi mắc bệnh, bệnh nặng và vào viện nhiều hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi.
Hiện nay, 30% người cao tuổi ở nước ta không có bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Quốc hội và Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích xã hội hóa chăm sóc sức khỏe y tế. Khuôn khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn đã có, đã quan tâm đến người cao tuổi, nhưng thực tế triển khai có những điểm còn hạn chế, như những mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng chưa nhiều.
Do đó, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trong đề án tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế đã đưa nội dung này vào, trong đó sẽ tích hợp mô hình bác sỹ gia đình để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cộng đồng và khuyến khích các mô hình khác nhau.
Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chăm sóc ban đầu, tăng cường các hướng tiếp cận chăm sóc thân thiện chuyển hướng từ dự phòng các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch; đặc biệt tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng chống bệnh ung thư.
Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội